Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ thông qua 'gói giải pháp' cứu doanh nghiệp

“Miễn, giảm thuế chưa đủ để cứu doanh nghiệp (DN)” – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói về gói giải pháp trị giá 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua.

 

Chính phủ thông qua 'gói giải pháp' cứu doanh nghiệp

“Miễn, giảm thuế chưa đủ để cứu doanh nghiệp (DN)” – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói về gói giải pháp trị giá 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ thông qua.

>> 25.000 tỷ chỉ cứu được doanh nghiệp đang 'sống'

>>Ông Trương Đình Tuyển 'vạch mưu' cho DN tự giải cứu

Ngày 10/5, Chính phủ đã chính thức thông qua gói giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thị trường ước tính có tổng trị giá 29.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính trình nhằm cứu doanh nghiệp (DN).

Bao nhiêu DN sẽ được hưởng lợi từ gói hỗ trợ 29.000 tỷ

"Phác đồ" cứu DN trị giá 29.000 tỷ

Lần đầu tiên một bức tranh toàn diện về "sức khỏe" DN đã được phác họa thông qua báo cáo, khảo sát mới nhất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam trình Chính phủ. Theo đó, không phải chỉ là gần 14.000 DN giải thể, mà con số này đã lên tới 17.753 DN, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Quan trọng hơn, dựa vào "bức tranh" này, Chính phủ đã xây dựng và thông qua gói hỗ trợ DN, thị trường trị giá 29.000 tỷ đồng.

Trọng tâm của gói hỗ trợ lần này "đánh" vào chính sách thuế. Cụ thể, Chính phủ cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012; DN sẽ được gia hạn 9 tháng nộp thuế TNDN từ năm 2011 trở về trước, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

Đồng thời, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất. Bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính.

Riêng đối với chính sách giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ (trừ DN kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tài chính...) và quyết định miễn thuế khoán VAT, thuế TNCN, thuế TNDN năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh... sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, khi đưa ra giải pháp này Bộ Tài chính đã đánh giá tình hình khó khăn của DN thông qua tình hình tế vĩ mô như: xuất nhập khẩu, tăng trưởng GDP, hàng tồn kho, phân tích số lượng DN thành lập mới, ngừng hoạt động, phá sản... Cụ thể, bên cạnh một số ngành vẫn tăng trưởng tốt, qua việc đánh giá hàng tồn kho tăng cao, Bộ đã nhận thấy khó khăn của không ít DN sản xuất đặc biệt các ngành như xây dựng, sản xuất xi măng, sắt thép, sản xuất, chế tạo, lắp ráp động cơ, da giầy, vải bông sợi… lượng thu thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu nói chung giảm đáng kể.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn cho rằng, gói hỗ trợ này chưa đủ để giải cứu cho các DN đang khó khăn khi hướng đến gỡ khó cho các DN còn đang hoạt động tương đối tốt. Còn với các DN đang bị đình đốn sản xuất, hàng tồn kho rất cao thì gói hỗ trợ chưa đưa ra được giải pháp gì để cứu họ.

Mở nút cổ chai, "kích" tiêu dùng

Còn TS. Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch DN vừa và nhỏ thì cho rằng, so với yêu cầu cấp bách của DN hiện nay trong số 29.000 tỷ đồng thì có tới 16.000 tỷ đồng là miễn, giảm, hoãn thuế. "Con số miễn, giảm rất cụ thể, nhưng số đó ít quá so với yêu cầu của DN hiện nay" – TS. Kiêm nói và cho rằng, gói hỗ trợ này chỉ mang tính hỗ trợ thêm, còn giải quyết khó khăn cho DN thì không được là bao.

Thực chất, theo TS Vũ Nhữ Thăng – Viện trưởng Viện Chiến lược & Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), nhóm giải pháp về thuế chỉ là 1 trong 5 nhóm giải pháp để phối hợp tốt chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm chi phí đầu vào cho DN, kết hợp với cơ cấu lại hệ thống tín dụng. Gói hỗ trợ chính xác cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giúp cho DN vượt qua khó khăn trong lúc thị trường tiêu thụ hàng hóa đang yếu, tổng cầu đang yếu.

Ở khía cạnh khác, ông Hà Huy Tuấn bày tỏ lo lắng, sẽ có những khoản "đi nhầm địa chỉ", DN khó khăn cần hỗ trợ thì không thấy, lại chỉ làm lợi cho số DN đang sống tốt. Năm 2009 chúng ta cũng đã có một gói hỗ trợ tổng thể để cứu các DN, nhưng sau đó không có một đánh giá tổng thể mức độ hiệu quả của gói kích cầu này thế nào, bao nhiêu phần trăm DN nhận được hỗ trợ của Chính phủ... "Lần này chúng ta phải làm rốt ráo, quyết liệt hơn để cho đồng tiền tới "đúng địa chỉ", hỗ trợ cho DN thực chất chứ không phải "trưng" ra cho oai, đẹp. Do đó, bây giờ phải đánh giá thực tế, rót vốn phải đúng địa chỉ, kịp thời nếu không nguồn vốn hỗ trợ có hạn, sẽ càng hạn chế hơn và kết quả cũng sẽ bị thu hẹp lại"- ông Tuấn lên tiếng.

Nhìn nhận về những khó khăn của DN hiện nay, bên lề hội thảo "Phối hợp chính sách tài khóa & tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô", chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, ba vấn đề lớn mà DN đang "vấp" là giá cả đầu vào tăng cao, tiếp cận tín dụng khó khăn, thị trường đầu ra bế tắc. Muốn "gỡ" cho DN thì chính sách của Chính phủ phải giải quyết "trúng" ba cái khó đó. "Gói hỗ trợ 29.000 tỷ mà Chính phủ thông qua mới phần nào tháo gỡ được khó khăn đầu vào của DN, nghĩa là mới giải quyết được 1/3 vấn đề" – bà Lan nói.

Thực tế, nếu chỉ thực hiện các giải pháp cứu DN là không đủ. Ngay cả trong trường hợp thuế đã giảm, lãi suất đã hạ nhưng hàng sản xuất ra không tiêu thụ được, chi phí sản xuất vẫn "ghềnh" lên, khả năng tiêu thụ không có thì luân chuyển vốn không được, khả năng trì trệ vốn vẫn cứ kéo dài.

Theo bà Lan, Chính phủ và Quốc hội sớm thông qua các gói giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế. "Việc này cần làm sớm, nếu không thực hiện ngay các giải pháp mang tính chất cốt lõi hơn thì căn bệnh trầm kha của nền kinh tế vẫn sẽ còn nguyên, mức độ trầm trọng có thể tăng lên ở lĩnh vực này lĩnh vực khác như trong những năm qua" – bà Lan nhấn mạnh.

Trường Giang

Theo Infonet

 

Trường Giang

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm