Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ thắt chặt chi tiêu, phụ nữ khuyết tật thành gái mại dâm

Suốt 5 năm qua, Alice, một cô gái khuyết tật, phải làm gái mại dâm để kiếm sống. Không chỉ Alice, nhiều phụ nữ khuyết tật ở Anh khác cũng đang phải bán thân để sinh tồn.

Khác với những người khuyết tật khác, cơ thể Alice hoàn toàn lành lặn. Tuy nhiên, tinh thần của cô không được như vậy. Cô mắc chứng rối loạn lưỡng cực, gây nên các cơn hưng-trầm cảm và hệ quả là suy nhược thể chất.

Đối với Alice, khuyết tật và mại dâm là hai phần gắn liền với nhau trong cuộc sống. Alice bắt đầu làm việc này từ khi học đại học để kiếm thêm tiền chi trả các khoản vay sinh viên.

Lúc ấy, cô đã có ý định bỏ việc sau khi tốt nghiệp, nhưng "đó là chuyện của ba năm trước", Alice chia sẻ.

gai mai dam anh 1
Tranh vẽ minh họa hoàn cảnh những phụ nữ khuyết tật như Alice phải hành nghề mại dâm. Bề ngoài, họ trông hoàn toàn bình thường nhưng tình trạng sức khoẻ không cho phép họ có công việc bình thường. Ảnh: Guardian.

Quá yếu để đi làm, không đủ yếu để nhận trợ cấp

Tốt nghiệp đại học, Alice phải chật vật tìm việc. Những công việc thông thường, với cấp trên và thời gian biểu cố định, là không thể mỗi khi cô bị trầm cảm.

Không lâu sau, cô bỏ việc và bắt đầu học cao học. Tuy nhiên, tình trạng sức khoẻ khiến cô phải nghỉ học liên tục. Chứng kiến tình cảnh này, trường khuyên cô nên nghỉ một năm. "Tôi buộc phải nghỉ học", cô nói.

Lẽ ra, hệ thống trợ cấp khuyết tật phải phát huy vai trò và giúp đỡ những người như Alice. Tuy nhiên, cô ở trong một tình thế ngặt nghèo: cô không thể nhận trợ cấp thất nghiệp cho người bệnh (ESA) vì cô vẫn còn là học viên cao học, bất chấp thực tế cô đã không còn đến trường.

"Một mặt, người ta nói tôi quá yếu để đi học hay đi làm. Mặt khác, chính quyền cho rằng tôi không đủ yếu để nhận trợ cấp và tôi không được nhận gì cả".

Tồi tệ hơn cả, trợ cấp cho người mắc bệnh lâu năm (PIP), một trợ cấp khuyết tật quan trọng khác, đã từ chối cô. Một cơn trầm cảm đã khiến cô không thể hoàn thành lượng giấy tờ khổng lồ trợ cấp này đòi hỏi. Sau khi nộp đơn và bị từ chối lần nữa, cô phải gửi khiếu nại lên toà. Alice phải hoàn thành nhiều giấy tờ hơn và tham gia một buổi xử tại toà.

Alice lo ngại tình trạng tâm thần của mình không được hệ thống an sinh xã hội xem là khuyết tật ngang hàng với người ngồi trên xe lăn. Đây là một lo ngại chính đáng: vào năm 2018, toà tối cao ra phán quyết hệ thống PIP đã "trắng trợn phân biệt đối xử" đối với người mắc bệnh tâm thần. Cơ quan này đã yêu cầu chính phủ xét lại 1,6 triệu trường hợp xin hưởng trợ cấp.

Tình hình của Alice ngày một trầm trọng hơn, khi mà cô không thể sống bằng đồng lương hay trợ cấp xã hội. Alice khẳng định: "Tôi còn không có thu nhập nhưng chính phủ vẫn không mảy may quan tâm".

Bị buộc phải bán dâm bởi chính phủ

Chính vì thế, cô đang phải bán dâm để kiếm sống. Thông thường, cô "hành nghề" tại nhà. Làm việc độc lập, cô có thể sắp xếp linh hoạt và toàn quyền kiểm soát căn hộ của mình.

"Trong những ngày trầm cảm, tôi không phải xin phép ông chủ nào. Sau đó, vào những ngày hưng cảm hoặc khi thật sự ổn, tôi có thể tự mình giải quyết những lượt khách và thiết kế lịch làm việc cụ thể, bù cho những ngày nghỉ", cô nói.

Theo Alice, sắp xếp thời gian phù hợp với sức khoẻ trồi sụt liên tục rất đơn giản với việc bán dâm. Vào những ngày khoẻ mạnh, cô có thể kiếm rất nhiều và rất nhanh. Tuy nhiên, những ngày đó không diễn ra thường xuyên.

Nhiều khi, Alice mất vài tuần liền không thể tiếp khách, theo sau là một khoảng thời gian dài ngủ với nhiều người đàn ông trong một ngày. "Sau đó, tôi khoẻ lại".

gai mai dam anh 2
Một cô gái bán hoa trên đường phố Holbeck, Anh. Ảnh: Guzelian.

Alice sử dụng "bảng giá tiêu chuẩn", theo cách cô gọi nó: 130 bảng Anh cho một giờ tại nhà cô, 150 bảng cho một giờ tại nơi khách ở, 50 bảng cho 15 phút và 750 bảng cho một đêm. Cô chia sẻ hầu hết khách thường đặt nửa tiếng hoặc một tiếng.

Alice gặp áp lực phải nhận càng nhiều khách càng tốt mỗi khi có thể. Không có thu nhập ổn định hay trợ cấp khuyết tật, Alice đang nợ hàng nghìn bảng: 10.000 bảng nợ bạn bè qua nhiều năm, khoản nợ sinh viên, 3.000 bảng thấu chi cùng nhiều thẻ tín dụng vượt hạn mức.

Những căng thẳng số nợ này đem lại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của cô, "nó biến tình hình hiện tại thành vòng luẩn quẩn nghiệt ngã".

Tìm kiếm khách hàng đã trở thành một cách để trả nợ và giúp cô chi trả cuộc sống. "Nếu không vì mại dâm thì tôi đã không thể sống đến bây giờ", Alice nói. "Nghề này thật sự đã cứu mạng tôi".

Tuy khẳng định đã có lúc cô thật sự tận hưởng việc làm gái mại dâm, Alice cũng thừa nhận đây là lựa chọn của tình thế. Cô tâm sự: "Tôi đang bị hệ thống bỏ rơi, bị buộc phải bán dâm bởi chính phủ".

Alice không phải người duy nhất bị ép vào tình cảnh này. Với cuộc suy thoái ở Anh và những cắt giảm chi tiêu sau đó, nhiều phụ nữ khuyết tật đã phải bán dâm để kiếm sống. Cách thức hành nghề rất đa dạng. Có người làm gái mại dâm truyền thống bằng việc giao cấu với khách, số khác bán dâm qua mạng: nửa tiếng khoả thân trên camera trước một người lạ ở bên kia màn hình.

Mặc dù tình trạng sức khoẻ khác nhau nhưng tất cả đều bước vào con đường này với cùng một lý do: giống Alice, không được tiếp cận với trợ cấp xã hội và công việc thông thường, mại dâm là cách duy nhất để tìm miếng ăn.

"Mọi việc là như vậy đó. Nếu nhà nước không hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, họ tìm công việc. Nếu họ không tìm được việc, họ tìm lựa chọn", Alice tâm sự.

Mại dâm vì sinh tồn

Việc tìm đến mại dâm làm lựa chọn cuối cùng cho những phụ nữ ngoài rìa xã hội không còn mới. Tuy nhiên, cắt giảm trợ cấp đã khiến tình hình này nghiêm trọng hơn. Nghiệp đoàn Aslef cho biết số lượng những cô gái đứng đường đã tăng 60% trong giai đoạn từ 2010 đến 2017. Con số này có liên quan mật thiết đến số lượng phụ nữ bị cắt trợ cấp.

Nhiều tổ chức ủng hộ quyền phụ nữ cũng đã nhiều lần chỉ ra quy luật này. Changing Lives, một tổ chức cung cấp dịch vụ cho phụ nữ ở Anh, thực hiện cuộc nghiên cứu vào năm 2016 về vấn đề "mại dâm vì sinh tồn".

Kết quả cho thấy nhiều cô gái đang phải bán thân để đổi lấy chỉ 10 bảng nhằm trả tiền thuê nhà hoặc quần áo sạch. Thậm chí, có những kẻ còn chọn lúc những người phụ nữ này dễ tổn thương nhất để yêu cầu đổi tình dục lấy vỏn vẹn 5 bảng.

"Chúng tôi nhận thấy sự tăng mạnh số lượng phụ nữ phải thực hiện hành vi mại dâm sau khi trợ cấp bị cắt. Trong một vài trường hợp, họ bán thân không chỉ vì mình, mà còn để trang trải cho gia đình", Laura Seebohm, Giám đốc điều hành tại Changing Lives, cho biết.

gai mai dam anh 3
Laura Seebohm, Giám đốc điều hành tổ chức vì phụ nữ Changing Lives, có kinh nghiệm trong việc giúp đỡ những cô gái là nạn nhân của lạm dụng tình dục hoặc bạo lực gia đình. Ảnh: Changing Lives.

"Cắt giảm trợ cấp đã đẩy một vài người trong số họ tuyệt vọng đến mức phải quay lại hành nghề sau thời gian dài thoát ra", Laura McIntyre, một nhân viên khác tại Changing Lives, chia sẻ.

Alice, theo nhiều cách, đang ở trong môi trường an toàn hơn rất nhiều so với các cô gái hành nghề trên đường phố. Cô tìm khách hàng trên Internet và liên hệ với họ qua điện thoại hoặc email.

Tuy nhiên, Alice vẫn thừa nhận rằng dù không gặp quá nhiều nguy hiểm, thỉnh thoảng cô vẫn cảm thấy dễ bị tổn thương vì tình trạng sức khoẻ của mình.

Alice đang sống trong một giai đoạn mà bản thân phụ nữ nói chung, chưa tính đến những vấn đề sức khoẻ, đang phải đối mặt với một thị trường lao động ngày một khắc nghiệt.

Theo thống kê của tổ chức Fawcett Society, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, 826.000 phụ nữ đã phải làm những công việc không an toàn với đồng lương ít ỏi. Cùng lúc đó, số phụ nữ làm bán thời gian có nguyện vọng chuyển lên một công việc toàn thời gian tăng gấp đôi, lên đến 789.000.

Vào năm 2017, tổ chức từ thiện Comic Relief cũng đã đưa ra nghiên cứu cho thấy khoảng 50% những công việc của người khuyết tật là những việc làm thu nhập thấp, kì hạn ngắn và bán thời gian - nghĩa là những phụ nữ khuyết tật bị phân biệt đối xử vì cả giới tính và tình trạng sức khoẻ của mình.

Hiện tại, Alice đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng cho phiên tòa khiếu nại kết quả xin PIP lần hai. 

Sức khoẻ tâm lý của cô ngày một tệ hơn và Alice đã bắt đầu có ý định tự tử. Cô quyết định sẽ chính thức bỏ học cao học để có thể nhận trợ cấp ESA. "Hiện giờ tôi không biết phải làm gì”, cô thừa nhận.

“Tôi đang ở dưới nước. Hoặc ít nhất là trì hoãn việc chết đuối nhờ… bán dâm”.

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Đức Trần

Bạn có thể quan tâm