Chính phủ Mỹ ‘gieo gió’, người dân ‘gặt bão’?
Không chỉ để lại vô số đau thương cho người dân Iraq và Afghanistan, chính người Mỹ cũng đang phải dùng máu và mạng sống của mình để trả giá cho cuộc chiến mà Chính phủ của họ phát động "bên kia địa cầu".
Nằm trong khu vực được chăm sóc đặc biệt, Dzhokhar Tsarnaev, nghi can còn sống trong vụ đánh bom đường chạy marathon đang được lực lượng an ninh vũ trang Mỹ canh gác nghiêm ngặt. Trở về từ cõi chết, Dzhokhar tỏ ra rất hợp tác với các điều tra viên. Một tay bị còng vào giường bệnh, Dzhokhar dùng bút viết để trả lời tất cả các câu hỏi của điều tra viên về vụ khủng bố tồi tệ nhất trên đất Mỹ kể từ ngày 11/9/2001.
Bệnh viện Beth Israel Deaconess, nơi Dzhokhar Tsarnaev đang được điều trị. |
Tờ Bưu điện Washington cho biết, cứ mỗi vài giờ, một đơn vị đặc biệt lại tiến hành lấy cung Dzhokhar trước khi tình trạng sức khỏe của y không cho phép tiếp tục khai thác thông tin. Theo lời khai của Dzhokhar, chính các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan (dự kiến kết thúc vào năm 2014) và Iraq (chấm dứt cuối năm 2011) là động lực thúc đẩy anh em chúng tiến hành vụ đánh bom khủng bố nhằm vào nước Mỹ.
Quả thực, mang trên mình danh nghĩa chống khủng bố và ngăn ngừa sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng các chiến dịch quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Afghanistan và Iraq hoàn toàn phản tác dụng. Lật đổ được chế độ Saddam Hussein nhưng Mỹ lại thổi bùng lên những xung đột sắc tộc ở Iraq. Đánh đổ được sự cai trị hà khắc của Taliban ở Afghanistan nhưng chủ nghĩa khủng bố lại đang lan nhanh ra phạm vi toàn cầu và quay trở lại đe dọa nước Mỹ.
Dzhokhar Tsarnaev bị bắt sống. |
Trên thực tế, không chỉ gieo rắc bất ổn vào bạo lực trong thế giới Hồi giáo, sự hiện diện của Mỹ còn khiến quốc gia này bị căm ghét hơn nhiều lần. Cả những tổ chức Hồi giáo cực đoan và thường dân đều cho rằng, Mỹ là nguyên nhân dẫn tới những khổ đau, mất mát trên quê hương họ. Trong khi Chính phủ Mỹ thắng thế ở nước ngoài thì chủ nghĩa khủng bố lại đang len lỏi vào trong lòng nước Mỹ, đe dọa người dân Mỹ.
Khi Mỹ tuyên bố chấm dứt sứ mệnh quân sự ở Iraq năm 2011, gần như toàn bộ người dân Mỹ đều cảm thấy nhẹ nhõm. Thế nhưng, dù đã hao người tốn của, dù để lại một đất nước Iraq chìm trong xung đột tôn giáo và bất ổn chính trị nhưng sự rút lui của quân đội Mỹ không đủ khiến máu của người Mỹ ngừng đổ.
Trong khi đó, chính quyền và quân đội mà Mỹ dựng lên trên trên lãnh thổ Afghanistan sau hơn 10 năm xâm lược lại chưa thể đứng vững trước sự lớn mạnh không ngừng của Taliban. Một vài năm sau vụ khủng bố 11/9/2001, thế giới dường như chỉ biết đến Afghanistan là thành trì duy nhất của các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Hơn 10 năm sau cuộc chiến, các phần tử Hồi giáo cực đoan dường như có mặt trên khắp thế giới, thậm chí ngay cả trong lòng nước Mỹ.
Người dân Mỹ trở thành nạn nhân của khủng bố. |
Liên tiếp những âm mưu đánh bom tinh vi và độc ác được phanh phui, ngăn chặn khiến không ít người Mỹ tin rằng, họ đang sống cuộc sống an toàn nơi “miền đất hứa”. Tuy nhiên, 2 quả bom phát nổ liên tiếp trên vạch đích đường chạy marathon ở Boston buộc người Mỹ phải quay về với hiện thực rằng, nước Mỹ chưa bao giờ an toàn trước những kẻ khủng bố.
Không dừng lại ở đó, hàng loạt âm mưu khủng bố nhằm vào người nước ngoài hay những vụ bắt giữ con tin ngoại quốc được tiến hành trên khắp thế giới cho thấy sự căm phẫn của những tổ chức Hồi giáo cực đoan. Cuộc khủng hoảng con tin nước ngoài ở Algeria, những vụ bắt cóc người nước ngoài ở Sudan, những công nhân ngoại quốc bị bắt giữ ở Nigeria cho thấy sự lan rộng không ngừng của chủ nghĩa khủng bố.
Hồng Duy
Theo Infonet