Thượng nghị sĩ Rand Paul có thể lại buộc chính phủ phải đóng cửa một thời gian ngắn.
Nhà lập pháp đảng Cộng hòa đến từ bang Kentucky phản đối việc nhanh chóng thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 740 tỷ USD, muốn lùi lại cuộc bỏ phiếu cuối cùng đến ngày 14/12. Trong khi đó, phe Cộng hòa muốn hoàn thành công việc trong tuần này, theo Politico.
Song chính phủ Mỹ cần được cấp tiền sau ngày 11/12, và khoản ngân sách một tuần không thể được thông qua trước đó nếu không có sự đồng ý của tất cả 100 thượng nghị sĩ. Ông Paul đã dựa vào điều này để gây sức ép buộc các lãnh đạo đảng Cộng hòa chấp thuận đòi hỏi của ông.
Vị thượng nghị sĩ nói ông sẽ đồng ý thông qua khoản ngân sách ngắn hạn cho chính phủ, giúp tránh xảy ra tình huống đóng cửa, nếu các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa nhất trí lùi lại cuộc bỏ phiếu cuối cùng về NDAA đến ngày 14/12.
Thượng nghị sĩ Rand Paul. Ảnh: AP. |
Bế tắc ở Thượng viện
Thượng viện Mỹ đã ngừng họp vào đêm 10/12 mà không có giải pháp nào cho vấn đề này và những bế tắc khác.
Thượng nghị sĩ Paul không phải là người xa lạ với việc cản trở thông qua các dự luật. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 10/12, ông cho biết ông phản đối một điều khoản trong dự luật mà nếu được thông qua sẽ cản trở khả năng của tổng thống trong việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan.
"Chỉ riêng sửa đổi đó thôi cũng đủ khiến tôi phản đối, cũng như số tiền chi tiêu", ông nói.
Các thượng nghị sĩ khác cũng đang tìm cách sử dụng thời hạn đóng cửa chính phủ để thúc đẩy các ưu tiên của họ. Những người bảo thủ muốn bỏ phiếu về luật để ngăn chính phủ đóng cửa và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thúc đẩy việc bỏ phiếu về gói kích thích mới.
"Chúng ta bắt buộc phải cung cấp 1.200 USD cho mỗi người trưởng thành thuộc tầng lớp lao động và 500 USD cho mỗi đứa con của họ... Quốc hội không thể về nhà cho đến khi chúng ta giải quyết xong cuộc khủng hoảng này", ông Sanders nói trong một tuyên bố với Politico.
Ông Paul là người thường xuyên khai thác "hạn chót" để thúc đẩy các ưu tiên của mình. Ông từng buộc chính phủ phải đóng cửa một thời gian ngắn vào năm 2018 vì đòi hỏi về việc cắt giảm chi tiêu.
Khi được hỏi Thượng viện sẽ đối phó như thế nào với sự trì hoãn này, Thượng nghị sĩ John Cornyn cho hay: "Tôi không biết phải ở thêm bao lâu nữa. Tôi không thể tưởng tượng có ai muốn (chính phủ đóng cửa)".
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell. Ảnh: AP. |
Tranh cãi về việc cắt giảm quân
Dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng, mà ông Trump đã đe dọa sẽ phủ quyết, đã được thông qua tại Hạ viện vào đầu tuần này và dự kiến giành được sự ủng hộ tương tự tại Thượng viện. Dù vậy, một số đảng viên Cộng hòa cuối cùng có thể đứng về phía tổng thống nếu xảy ra tình huống quốc hội phải bỏ phiếu một lần nữa sau khi tổng thống đã phủ quyết dự luật.
"Họ tin rằng một tổng thống có quyền gây chiến ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào", ông Paul nói trên sảnh Thượng viện về những người ủng hộ dự luật. "Nhưng khi một tổng thống cố gắng rút quân, họ nói 'Ồ không, không. Điều chúng tôi thực sự muốn là 535 tướng lĩnh trong quốc hội nói với ông ấy rằng ông ấy không thể rời khỏi một cuộc chiến'".
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell ám chỉ Thượng viện có thể phải tranh luận đến đêm muộn về dự luật phải thông qua.
Dự luật NDAA là nỗ lực đặt ra rào cản đối với việc ông Trump cắt giảm quân ở Afghanistan. Chính quyền của ông đang theo đuổi kế hoạch cắt giảm còn 2.500 quân ở cả Afghanistan và Iraq cho đến ngày 15/1.
Dự luật NDAA cấm việc cắt giảm quân đội Mỹ ở Afghanistan xuống dưới hai mức chính - 4.000 và 2.000 - cho đến khi Lầu Năm Góc cung cấp cho quốc hội phân tích việc cắt giảm quân sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ, rủi ro đối với nhân sự Mỹ...
Các thành viên của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã chỉ trích kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Họ cho rằng việc này có thể gây mất ổn định đất nước và làm suy yếu vị thế của Mỹ và chính phủ Afghanistan trong các cuộc đàm phán với Taliban.
Ông Trump đã đe dọa sẽ phủ quyết dự luật vì các nhà lập pháp không đưa vào việc xóa bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty mạng xã hội và vì dự luật cuối cùng sẽ buộc Lầu Năm Góc loại bỏ tên của các nhà lãnh đạo Liên minh Miền Nam (thời Nội chiến Mỹ) khỏi các căn cứ của quân đội.
Nhà Trắng cũng đã kiên quyết phản đối các điều khoản cản trở ông Trump rút quân khỏi Afghanistan và châu Âu.