Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ muốn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi đây là một trong những công cụ điều tiết giá, không phải can thiệp hành chính.

Luật Giá sửa đổi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 chiều 19/9.

Quy định thành một điều riêng trong dự thảo Luật, Chính phủ đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì cho rằng việc này là cần thiết.

Không phải can thiệp hành chính

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban này tán thành với đề xuất của Chính phủ. Cơ quan thẩm tra nhìn nhận Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

giu Quy binh on gia anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Quốc hội.

“Khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, có sự điều hành của Nhà nước và khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở, việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp”, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Ngoài ra, thực tế cho thấy vừa qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá.

Mô hình Quỹ bình ổn, theo ông Cường, cũng được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trường hợp có những biến động khó dự báo.

Tuy nhiên, các ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm. Việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt hơn và cần tăng trách nhiệm quản lý cũng như tính công khai, minh bạch.

Có quan điểm ngược lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết có một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì, vì Quỹ này không phải tiền ngân sách Nhà nước song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành.

Bên cạnh đó, hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Luồng ý kiến này còn cho rằng trường hợp cần điều tiết giá xăng dầu, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá xăng dầu tăng cao.

Đánh giá kỹ tác động của việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu

Đề cập nội dung này trong thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn khi chính Bộ Tài chính đề xuất đề nghị bỏ Quỹ nhưng đến nay Chính phủ đề nghị giữ, mà chưa thấy tổng kết đánh giá.

Cho rằng đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội nói tờ trình nên nêu rõ trong quá trình dự thảo có ý kiến khác nhau và cách xử lý của Chính phủ thế nào ở trường hợp bỏ/giữ quỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị tổng kết, đánh giá kỹ tác động của Quỹ trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua để quyết định giữ hay bỏ.

giu Quy binh on gia anh 2

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu lý do đề nghị giữ Quỹ là qua đánh giá tác động thời gian qua, Quỹ có tác động tích cực và lợi ích lớn, đặc biệt trong biến động giá xăng dầu của năm 2022.

Ông nhấn mạnh đây là công cụ hữu ích, nếu chỉ dựa vào giảm thuế và phí thì chỉ được trong ngắn hạn, còn dài hạn rất khó khăn.

"Bình ổn giá xăng dầu phải có biện pháp đồng bộ, Quỹ là một trong các công cụ để thực hiện", theo lời ông Phớc.

Trước đó, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi đưa ra hồi tháng 7, Bộ Tài chính từng đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá nhằm giúp giá xăng dầu vận động theo cơ chế thị trường.

Theo dự thảo lúc đó, sau khi bỏ Quỹ bình ổn giá, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: Kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp; từ đó, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Đề nghị quy định giá bán tối đa, không ấn định giá sách giáo khoa

Trình bày tờ trình về dự Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng do Nhà nước định giá, trong đó có sách giáo khoa.

Theo ông Phớc, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá cụ thể.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Thường trực Ủy ban này đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá, để đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân. Đồng thời, cơ quan này lưu ý kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.

Thanh tra Chính phủ 'soi' Quỹ bình ổn, quản lý giá xăng dầu

Thanh tra Chính phủ đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm