Chiều 12/3, tại buổi lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một giải pháp cấp thiết nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, nền điều hành không giấy tờ. Thủ tướng đánh giá việc này giúp nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Ông Phúc nói Chính phủ điện tử sẽ giúp chấn chỉnh tình trạng ngâm hồ sơ, quan liêu trong công tác xử lý thủ tục hành chính, tiêu cực, tham nhũng trong xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu làm lễ bấm nút khai trương Trục liên thông Văn bản quốc gia. Ảnh: Sơn Hà. |
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra vẫn còn nhiều yếu kém, thụ động trong ứng dụng Chính phủ điện tử. "Cán bộ, công chức nhìn chung chưa chủ động khai thác sử dụng văn bản điện tử để nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, còn riêng rẽ, chưa kết nối thật sự hiệu quả", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng nói Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để lựa chọn các giải pháp công nghệ mới tiên tiến hơn của thời đại cách mạng công nghệ 4.0 để rút ngắn khoảng cách thay vì đi tuần tự như những mô hình cũ.
Tại buổi lễ, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền các cấp nhằm gỡ bỏ rào cản trong giải quyết thủ tục hành chính, tâm lý ngại thay đổi, ngại minh bạch, công khai.
Để việc xây dựng Chính phủ điện tử và Trục liên thông văn bản hoạt động hiệu quả, ông Phúc đề nghị các bộ, sở ban ngành liên quan nghiêm túc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc áp dụng hệ thống chuyển nhận văn bản điện tử đã tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng so với việc chuyển nhận văn bản truyền thống trong năm qua.
"Trong đó tiền giấy, mực, sao lưu là hơn 154 tỷ; tiền gửi qua bưu chính là 575 tỷ; chi phí thời gian tính bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) là 576 tỷ..., Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Trục liên thông văn bản quốc gia là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công quốc gia khi ra mắt sẽ được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.