Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành và dự thảo Bộ luật lấy ý kiến người dân chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, qua tổng hợp ý kiến thì có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề chuyển đổi giới tính.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Bộ luật cần bổ sung quy định thể hiện chính sách chung của Nhà nước đối với việc chuyển đổi giới tính. Từ đó làm cơ sở cho luật khác quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép thực hiện cũng như tạo điều kiện cho người đã chuyển đổi ở nước ngoài về nước được cải chính hộ tịch và thực hiện các quyền nhân thân khác; những người có nhu cầu và đủ điều kiện chuyển đổi giới tính phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai lại đề nghị không thừa nhận quyền này vì đây là vấn đề "phức tạp, nhạy cảm", có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy chưa thể lường trước được đối với chính người có nhu cầu chuyển đổi giới tính và đối với xã hội.
Ông Cường cho biết, trên cơ sở ý kiến người dân, Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung khoản 3 vào Điều 36 dự thảo Bộ luật với hai phương án như sau:
Điều 36. Quyền xác định lại giới tính
Phương án 1: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật”.
Phương án 2: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”.
“Qua thảo luận Chính phủ thấy rằng, loại ý kiến thứ nhất là hợp lý”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết. Theo ông Cường, dù chưa có số liệu thống kê chính thức về những người đã chuyển đổi giới tính hoặc có nhu cầu chuyển đổi giới tính ở nước ta, nhưng được chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật, đang ngày càng gia tăng.
“Do pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài thực hiện việc chuyển đổi. Khi về nước họ không được cải chính hộ tịch và do đó gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan”, ông Cường cho hay.
Trong Báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của một số Bộ, ngành, địa phương và qua một số hội thảo, tọa đàm trên các phương tiện thông tin đại chúng, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y, sinh học đến từ Bộ Y tế, Tổng hội Y dược học Việt Nam cho rằng đã đến lúc nên bổ sung quy định mang tính chất chính sách chung của Nhà nước ta về vấn đề này trong BLDS.