Chiều 20/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025.
Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu; đồng thời điều chỉnh chuẩn nghèo trong năm 2021 để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đề nghị trong năm 2021 chưa tăng lương cơ sở. Ảnh: Hải Quân. |
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đồng ý với đề nghị của Chính phủ.
Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao, đời sống khó khăn.
Việc điều chỉnh lương cơ sở theo lộ trình được tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu từ 1/7/2020. Song, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội quyết định chưa thực hiện. Quốc hội giao Chính phủ “căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở”.
Lần này, nếu đề xuất chưa tăng lương cơ sở trong năm 2021 được Quốc hội thông qua, mức lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ giữ nguyên, thời gian tăng lương tiếp tục bị hoãn.
Cũng theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính, Chính phủ đề nghị cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết để thực hiện Đề án đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết từ năm 2007 nguồn thu này được sử dụng 60% để đầu tư cơ sở vật chất ngành giáo dục, 40% xây dựng cơ sở y tế. Đến nay, việc thực hiện đã gần 13 năm nhưng chưa có đánh giá tổng kết, chưa rõ hiệu quả sử dụng. Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ sớm tổng kết đánh giá và kiến nghị cơ cấu lại việc sử dụng.
Nhấn mạnh tình hình cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn trong giai đoạn tới, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ kiên quyết siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính; thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, tiết giảm mạnh chi thường xuyên, phấn đấu đạt khoảng 61% tổng chi ngân sách Nhà nước đến năm 2025.