Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Biến động chưa từng có
Theo Thủ tướng, những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) ngưng trệ.
Tuy nhiên, chúng ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp. |
Việt Nam đến nay cơ bản kiểm soát được dịch. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong. Liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh); trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
“Đạt được kết quả quan trọng này là do chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Theo người đứng đầu Chính phủ, những thắng lợi đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là kết tinh của tinh thần yêu nước, niềm tin và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian tới, Chính phủ nhận định đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, tiếp tục lây lan với tốc độ cao. “Dù đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại”, Thủ tướng lưu ý.
Ông đề nghị các cấp, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh. Cùng với đó, đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển vaccine phòng dịch, các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị xây dựng Chiến lược phòng chống dịch bệnh, bảo đảm hiệu quả y tế và bền vững về kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển KTXH, vừa phòng chống dịch.
Đề xuất hàng loạt chính sách đặc thù trong tình hình mới
Đề cập đến việc phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng đưa ra nhận định “dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều”.
Theo ông, việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; mà còn cho chúng ta vị thế chủ động trước vận hội mới, thời cơ mới khi cấu trúc kinh tế thế giới, phương thức sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thay đổi sau đại dịch.
Dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng nhấn mạnh tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng lên, Việt Nam cần vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.
Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhắc nhở phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chủ động tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Theo ông, phải từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.
Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương sẽ nỗ lực hết sức mình, tận dụng tốt các cơ hội thuận lợi, chủ động giải quyết hiệu quả hơn những khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp, đối sách mạnh, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”.
Nhận định so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều, Thủ tướng cho rằng mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
Trước hết, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.
Thứ hai, cho chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).
Thứ ba, miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thứ tư, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Thứ năm, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Vẫn có “điểm sáng” về kinh tế
Về kết quả bổ sung KTXH đạt được trong năm 2019, Thủ tướng cho biết toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).
Bước sang năm 2020, Thủ tướng dẫn đánh giá của Liên Hợp Quốc cho biết đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng KTXH nghiêm trọng chưa từng có. Đại dịch khiến kinh tế thế giới, vốn chưa phục hồi hoàn toàn từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử.
Với Việt Nam, tác động của đại dịch là rất nghiêm trọng do nước ta có nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương và tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.
Dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta vẫn có những điểm sáng trong phát triển kinh tế, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH sau dịch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,21% so với tháng 12 năm 2019. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt.
Đồng thời, triển khai kịp thời chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Các cấp, các ngành đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; vốn đầu tư thực hiện từ NSNN tăng 12,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 2,2%; trong đó vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng 4,2%.
“Dù giảm khá mạnh so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng GDP quý I vẫn đạt 3,82%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới. Trong khó khăn, nhiều địa phương vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao. Chúng ta vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, không để rơi vào suy thoái; trong khi hầu hết các nước, đối tác lớn đều tăng trưởng âm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc đến những khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đã khiến ngưng trệ nhiều hoạt động văn hóa, xã hội trong thời gian khá dài. Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường; các hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bị hoãn, hủy.
Bên cạnh đó, còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế; Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự nghiêm trọng diễn biến phức tạp trên một số địa bàn…
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”
Nhiệm vụ quan trọng khác trong thời gian tới được Thủ tướng đề cập là quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí.
“Phải kiên quyết chống sự bảo thủ, trì trệ; tư duy cục bộ, lợi ích nhóm; sự tha hoá quyền lực, tham nhũng, lãng phí, xuống cấp về đạo đức và trách nhiệm xã hội. Kiên quyết chống tư tưởng trì trệ, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng quán triệt.
Cùng với đó, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
“Đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với những khó khăn, thách thức và nhiều vận hội, thời cơ đan xen. Chính trong thời điểm 'lửa thử vàng, gian nan thử sức' này, chúng ta hãy siết chặt tay nhau với quyết tâm cao, hướng về phía trước, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Thủ tướng kết thúc phần báo cáo trước Quốc hội.
Kỳ họp đặc biệt
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam. Dịch bệnh đã làm hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa… và đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, nước ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường gây thiệt hại lớn ở nhiều khu vực trong cả nước, như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá…
Song đến nay, bước đầu chúng ta đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm sự an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
“Giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này.
“Kỳ họp thứ 9 sẽ là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và Nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước”, bà Ngân nói.