Mới đây Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tình hình nợ công năm 2018 gửi tới Quốc hội.
Dành 250.000 tỷ đồng để trả nợ
Về huy động vốn vay trong nước, đến nay Chính phủ đã huy động 250.468 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc (chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ).
Cụ thể, vay vốn trong nước bằng kênh phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Trong năm phát hành 196.797 tỷ đồng, đạt 89,1% so với kế hoạch. Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân duy trì ở mức cao là 12,7 năm, tương đương năm 2017, cao hơn 4-6 năm so với năm 2015 và 2016. Lãi suất phát hành bình quân giảm xuống mức 4,7%/năm.
Chính phủ cho biết các khoản vay trong nước ngày càng tăng lên. Ảnh: Việt Linh. |
Theo Chính phủ, do thu ngân sách Nhà nước năm 2018 tương đối tốt, mức tồn ngân quỹ Nhà nước cao, đã chủ động điều chỉnh kế hoạch huy động để phù hợp với tiến độ giải ngân, đảm bảo quản lý sử dụng vốn hiệu quả. Trong năm 2018 đã huy động 53.671 tỷ đồng từ nguồn tạm ứng ngân quỹ Nhà nước.
Về vay nước ngoài, trong năm 2018 đã ký kết 18 hiệp định vay vốn nước ngoài với tổng trị giá 1,5 tỷ USD. Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3 tỷ USD, tương đương 68.229 tỷ đồng (bằng 63,2% kế hoạch năm, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ).
Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và giải ngân vốn còn chậm, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính. Ngoài ra, có dự án chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng; có trường hợp chưa tuân thủ cam kết với nhà tài trợ. Một số dự án có chất lượng chuẩn bị chưa cao, hiệu quả thấp, tiếp nhận công nghệ lạc hậu, thời gian chuẩn bị kéo dài…
Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, năm 2018 đã trả nợ trong nước là 198.907 tỷ đồng. Trong đó trả gốc là 101.657 tỷ đồng, trả lãi là 97.250 tỷ đồng.
Trả nợ nước ngoài năm 2018 là 51.554 tỷ đồng. Trong đó bao gồm nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 27.748 tỷ đồng (trong đó trả gốc là 20.027 tỷ đồng, trả lãi là 7.721 tỷ đồng). Ngoài ra còn nghĩa vụ trả nợ của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại là 23.806 tỷ đồng (trong đó trả gốc là 15.473 tỷ đồng, trả lãi là 8.333 tỷ đồng).
Chi phí huy động vốn các khoản vay ngày càng cao
Trong báo cáo, Chính phủ cũng cho biết tình hình quản lý, sử dụng quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ được thành lập nhằm đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.
Số dư của quỹ tích lũy trả nợ tính đến 31/12/2018 tương đương 82.680 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội một số vấn đề đặt ra trong quản lý nợ công. Theo đó, quy mô danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50,0% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%.
Tuy vậy, Chính phủ rằng việc Việt Nam tốt nghiệp IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển Quốc tế) kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, các nhà tài trợ đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Chính phủ cũng nhận định rủi ro lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,6% năm 2018).