Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ thi tốt nghiệp THPT

Cho rằng mỗi lần tổ chức kỳ thi rất tốn kém, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị giao Chính phủ nghiên cứu bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng cho những học sinh đủ điều kiện.

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Trải qua 2 kỳ họp, dự án luật đã có nhiều tiếp thu, chỉnh lý dựa trên cơ sở góp ý của các đại biểu.

Dự kiến, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua vào cuối kỳ họp này.

Tiến tới bỏ thi tốt nghiệp THPT

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng) nhấn mạnh những chỉnh lý về quy định sách giáo khoa và một số ý kiến xoay quanh việc đề nghị bỏ kỳ thi THPT.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Nhưng bên cạnh đó vẫn có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Luat Giao duc sua doi anh 1
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng. Ảnh: Minh Quân.

Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài”, ông Bình nhấn mạnh.

Vì thế, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, ông Bình cho biết dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá kỳ thi “2 trong 1” vừa qua được dư luận rất quan tâm. Dù xảy ra tiêu cực trong thi cử, nhưng tỷ lệ đỗ rất cao, có địa phương đạt 99%.

“Thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh”, ông Hoà đặt vấn đề.

Luat Giao duc sua doi anh 2
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Minh Quân.

Cho rằng vẫn nên giữ quy định thi THPT, nhưng ông Hòa đề nghị dự thảo luật lần này cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tùy thực tế mà có thể bỏ thi THPT để giảm chi phí cho ngân sách, bởi mỗi lần tổ chức kỳ thi rất tốn kém.

Theo ông Hòa, chỉ cấp bằng THPT với những học sinh đáp ứng điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực.

“Nếu làm như vậy, chất lượng đầu vào ĐH được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội”, ông Hoà góp ý.

Đại biểu lo “loạn” sách giáo khoa

Theo ông Phan Thanh Bình, hiện có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022.

Luat Giao duc sua doi anh 3
Đại biểu Nguyễn Tạo - Lâm Đồng. Ảnh: Minh Quân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo luật.

Theo đó, để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa, dự thảo luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh.

Về quy định việc lựa chọn sách giáo khoa, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng GD&ĐT.

Bày tỏ băn khoăn, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng quy định như vậy là chưa rõ. Từ hạn chế này có thể dẫn đến loạn sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo.

Ông Tạo cũng cho rằng quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung, đề nghị quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn sách giáo khoa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý sách giáo khoa phải được sử dụng ổn định, lâu dài chứ không phải mỗi năm lại thay sách khác, gây lãng phí.

Về việc thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia chương trình, sách giáo khoa, ông Hòa cho rằng nên cân nhắc giao Chính phủ sẽ đa dạng thành phần hơn. Bởi vừa qua, dư luận rất quan tâm về tính khách quan khi thẩm định sách giáo khoa.

Ngoài ra, ông Hòa góp ý sách tham khảo nên do giáo viên bộ môn lựa chọn nhưng quy định cụ thể rõ ràng để phòng ngừa việc giáo viên lợi dụng sách tham khảo để học thêm, dạy thêm; nếu học sinh không học thì không biết làm bài kiểm tra trên lớp, gây bức xúc trong phụ huynh.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm