Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ 'cứu' du lịch, hàng không trong dịch Covid-19 ra sao?

Trước tình hình sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng chỉ thị nhiều giải pháp cấp bách để vừa tháo gỡ khó khăn, vừa chủ động ứng phó dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo nhận định, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ

Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

dich Covid-19 anh 1

Nhiều ngành hàng như may mặc gặp khó do tác động của dịch Covid-19 vì thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Ảnh: Việt Hùng.

Trong bối cảnh đó nhiều người Việt Nam trở về, khách quốc tế đến từ vùng dịch và từ nhiều nước chưa có thông tin rõ ràng về dịch bệnh. Thủ tướng lưu ý không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, làm tốt công tác cách ly, không để dịch lây lan, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của nhân dân.

Đồng thời, có ngay những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Nhấn mạnh phải tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”, Thủ tướng chỉ thị ngoài việc có các phương án, giải pháp ứng phó chống dịch, không để bị động bất ngờ, phải thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước hết, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được giao kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

Tháo gỡ khó khăn cho hàng không, du lịch

Nhằm khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia; phối hợp để kích cầu du lịch nội địa; tăng cường quảng bá các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

dich Covid-19 anh 2

Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các cơ quan nhằm mở rộng diện xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo Chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020, trước hết là các vùng, quốc gia không có dịch.

Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; rà soát, xử lý đúng pháp luật về giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không; phối hợp đẩy nhanh tiến độ kết nối hàng không trực tiếp với các thị trường trọng điểm.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ chỉ thị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đặc biệt, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài; Xây dựng mới sân bay Long Thành, đường Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020... không được để chậm trễ như vừa qua.

Không vì doanh thu mà mở cửa đón khách du lịch tràn lan

Nêu thực tế ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới kinh tế, đặc biệt lĩnh vực du lịch, song Thủ tướng cho rằng không thể vì doanh thu mà mở cửa đón khách tràn lan.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm