Cụ thể, Nghị định mới cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với trái chủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác trong trường hợp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi theo phương án phát hành.
Tuy nhiên, việc đàm phán phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật có liên quan và được trái chủ chấp thuận. Đồng thời, doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Cũng trong Nghị định 08/2023, Chính phủ cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định. Cụ thể, trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Đối với trái chủ không chấp thuận, doanh nghiệp có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Kể cả khi trái chủ đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận việc thay đổi, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với những trái chủ không chấp thuận phương án đàm phán.
Bên cạnh các điểm mới này, Nghị định 08/2023 cũng ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành và quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại Nghị định 65/2022 đến hết ngày 31/12.
Nghị định 08/2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, tức ngày 5/3. Các đợt chào bán trái phiếu đã gửi nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán cho Sở giao dịch chứng khoán trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa hoàn thành việc phân phối trái phiếu thì tiếp tục thực hiện theo quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định 65/2022.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới đây đã công bố danh sách 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, gần một nửa trong đó là doanh nghiệp bất động sản Novaland, Hải Phát, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Sunny World, Gotec Land...
Nhóm doanh nghiệp chậm thanh toán trên dự kiến vẫn còn khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 2023 (trong đó 90% đến từ các công ty địa ốc).
Tuy nhiên, đây chưa phải là giai đoạn cao điểm khi áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn trái phiếu doanh nghiệp hàng tháng vượt hơn 1 tỷ USD.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.