Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Theo đó, ông giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện phê duyệt quy hoạch chi tiết (điều chỉnh) Cảng hàng không Sa Pa, làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư.
UBND tỉnh Lào Cai sẽ phối hợp với Bộ Giao thông và các cơ quan liên quan triển khai việc đầu tư, xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo đúng quy định.
Phối cảnh cảng hàng không Sa Pa. |
Trước đó, tỉnh Lào Cai đã kiến nghị xây dựng cảng hàng không Sa Pa dân dụng kết hợp quân sự, đặt tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không Sa Pa sẽ được đưa vào khai thác.
Với dự án này, Lào Cai đề nghị Thủ tướng cho phép xây dựng sân bay cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới ICAO) có công suất 2,5 - 3 triệu khách/năm, với 9 vị trí tàu bay code C có thể đón được các loại máy bay A320, A321 và tương đương.
Hình thức đầu tư mà địa phương này đề xuất là kết hợp giữa ngân sách Nhà nước (đầu tư công) và đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 5.900 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất là 371 ha.
Trong tổng mức đầu tư trên, dự kiến ngân sách trung ương hỗ trợ gần 3.100 tỷ đồng, bao gồm tiền xây dựng khu bay và đường trục vào cảng. Vốn kêu gọi nhà đầu tư là hơn 1.700 tỷ đồng (xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không).
Lào Cai cũng đề nghị Thủ tướng chấp thuận giao tỉnh này là cấp quyết định đầu tư. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng các công trình quản lý bay. Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước với dự án.
Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành
Thủ tướng vừa có ý kiến chỉ đạo về tình hình triển khai hạ tầng giao thông kết nối và rà, phá bom, mìn Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đồng thời, trên cơ sở dự án đã được phê duyệt, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các hạng mục của dự án, bao gồm cả công tác rà, phá bom, mìn, giải phóng mặt bằng và xây dựng các tuyến giao thông kết nối phục vụ thi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy định của pháp luật.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Dự án có tổng công suất 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương.
Giai đoạn một của dự án sẽ đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến, cảng hàng không này hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất đến năm 2025.