Theo Caixin, những người bạn tỷ phú của ông Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - đã bơm hàng tỷ USD vào tập đoàn bất động sản và các công ty con trong thập kỷ qua. Một số người đến từ nhóm bạn chung sở thích chơi poker.
Chiến lược vay nợ ồ ạt đã giúp China Evergrande mở rộng mạnh mẽ trong những năm qua. Khi tập đoàn gặp khó, tỷ phú Hứa Gia Ấn vay mượn tiền từ các mối quan hệ thân quen của mình và nhiều lần thoát nạn.
Nhưng vài tháng sau cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande, ông Hứa đã bị nhiều người bạn rời bỏ. "Sự sụp đổ của tập đoàn đã được báo trước từ lâu. Nhưng những dự đoán trước đó có thể là quá sớm", nhà phân tích Nigel Stevenson tại GMT Research bình luận.
"Lần này sẽ khác. Sự tự tin đã bốc hơi và khó lấy lại", ông bình luận.
Chiến lược vay nợ ồ ạt đã giúp China Evergrande mở rộng mạnh mẽ trong những năm qua. Ảnh: Reuters. |
Nhóm bạn tỷ phú
Quá trình đi lên từ bàn tay trắng của ông Hứa là biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc. Ông thành lập China Evergrande vào năm 1996. Đến năm 2017, ông Hứa trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.
Giờ, khoản tiền phải trả của China Evergrande đã lên đến hơn 300 tỷ USD. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ của tập đoàn gọi ông Hứa là "kẻ ảo tưởng" và "lừa đảo". Nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc không thể thanh toán tiền cho nhà thầu, ngân hàng, nhà đầu tư và trái chủ nước ngoài.
Theo giới quan sát, China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể trải qua quá trình tái cơ cấu tương tự HNA Group.
Những người bạn của tỷ phú Hứa Gia Ấn đầu tư hàng tỷ USD vào startup xe điện của China Evergrande. Ảnh: Bloomberg. |
HNA Group đệ đơn phá sản vào tháng 1 và đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của chính quyền đảo Hải Nam - nơi HNA đặt trụ sở. Tập đoàn dự kiến được chia thành 4 đơn vị, tập trung vào mảng hàng không, sân bay, tài chính và các lĩnh vực kinh doanh khác.
Reuters đưa tin Bắc Kinh đang thúc đẩy các nhà phát triển, bao gồm những công ty quốc doanh, mua một số dự án của China Evergrande. Theo truyền thông Trung Quốc, Hopson Development Holdings - một nhà phát triển có quy mô nhỏ hơn nhiều China Evergrande - đã đồng ý mua 51% cổ phần tại chi nhánh dịch vụ bất động sản của tập đoàn.
Tháng trước, nhóm cổ đông lớn thứ hai của China Evergrande - do vợ chồng tỷ phú Joseph Lau kiểm soát - đã tuyên bố kế hoạch rút lui. Nhóm này bao gồm tỷ phú Hong Kong Joseph Lau của Chinese Estates Holdings và bà Chan Hoi-wan - Giám đốc điều hành China Estates, vợ tỷ phú Lau.
Theo tờ Sing Tao Daily của Hong Kong, cặp vợ chồng đã tham gia vào hầu hết đợt gây quỹ của China Evergrande kể từ năm 2009. Vào tháng 1/2020, khi China Evergrande bán 6 tỷ USD trái phiếu, China Estates và các cổ đông kiểm soát của tập đoàn đã đầu tư 1 tỷ USD.
Đầu năm nay, bà Chan cũng đầu tư 3 tỷ HKD (385,4 triệu USD) vào đơn vị xe điện của China Evergrande.
Thua lỗ lớn
Tuần trước, các cổ đông kiểm soát của Chinese Estates đã đề nghị chuyển thành công ty tư nhân sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh.
Trước đó, Chinese Estates thừa nhận với các cổ đông thiểu số rằng những khoản đầu tư vào China Evergrande có thể khiến tập đoàn thua lỗ 10,4 tỷ HKD trong năm nay.
Ông Lau là một trong các thành viên của hội bạn yêu thích poker của ông Hứa. Được biết đến với cái tên Big Two Club, nhóm còn bao gồm ông Henry Cheng của New World Development Co. và ông Cheung Chung Kiu tại C C Land.
Hồi tháng 1, ông Hứa đã bán 26 tỷ HKD (tương đương 3,4 tỷ USD) cổ phần trong startup xe điện của China Evergrande cho 6 nhà đầu tư. Giai đoạn lock-up (không rút được vốn đầu tư) kéo dài 12 tháng.
Nhóm 6 nhà đầu tư bao gồm ông Chen Hua, Chủ tịch Kingkey Group. Ông đã bỏ 5 tỷ HKD vào startup EV của ông Hứa thông qua một công ty con. Cá nhân ông Wong Kwong Miu, ông chủ Shenzhen Centralcon Investment Holding Co. (có trụ sở tại Trung Quốc đại lục), cũng đầu tư 5 tỷ HKD. Còn chủ tịch China Gas Holdings Ltd. Liu Ming Hui rót 3 tỷ HKD.
Tỷ phú Hong Kong Joseph Lau của Chinese Estates Holdings và vợ Chan Hoi-wan. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Shenzhen Greenwoods Investment Group của ông Wang Zhongming cũng đầu tư 5 tỷ USD. Bà Chan Hoi-wan, vợ tỷ phú Lau - bỏ 3 tỷ HKD vào startup xe điện. Trong khi đó, ông Wang Kaiguo đầu tư 5 tỷ HKD thông qua Heyirong International Trade Co.
Khi trái phiếu của China Evergrande lao dốc, những người bạn tỷ phú của ông Hứa đứng trước nguy cơ thua lỗ. CST Group đã mua 11 triệu USD trái phiếu trên thị trường mở. Ông Cheung Chung Kiu tại C C Land nắm giữ cổ phần tại đây. Ở thời điểm hiện tại, khoản nắm giữ chỉ còn trị giá 4,4 triệu USD.
Cuối tháng 9, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của China Evergrande từ CC xuống C, gần với mức vỡ nợ. Cơ quan này dự báo các trái chủ chỉ có thể thu hồi ít hơn 10% khoản nợ.
"Trung Quốc sẽ giám sát một trong những vụ tái cơ cấu nợ lớn nhất trong lịch sử. Khách mua nhà, nhà cung cấp, nhà thầu và nhân viên được ưu tiên thanh toán trước", ông Benjamin Fanger - nhà sáng lập công ty ShoreVest Partners - bình luận.
Nói cách khác, ông Hứa và những người bạn tỷ phú của ông không nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên.
Theo Caixin, Bắc Kinh dường như đã quyết định rằng họ có thể bảo vệ thị trường tài chính và bất động sản, ngay cả khi không cần phải giải cứu China Evergrande và ông Hứa.
"China Evergrande lớn, nhưng không đủ lớn và đủ kết nối để tạo ra những ảnh hưởng mang tính hệ thống", ông Charles Chang tại S&P Global Ratings lập luận.