Theo Nikkei Asian Review, vào cuối tháng 9, công trường xây dựng của Sunshine Peninsula - một dự án chung cư quy mô 5.000 căn hộ ở ngoại ô Quảng Châu (Trung Quốc) - im lặng như tờ.
Một nửa tòa nhà đã được xây đến các tầng giữa. Những thanh thép nằm lộ ra bên ngoài. Một nửa còn lại vẫn bị bỏ không. Các khung cửa sổ không kính trống trơn.
"Việc thi công đã bị dừng trong nửa tháng qua", một công nhân tham gia xử lý vật liệu cho dự án tiết lộ. "Tôi không biết đến bao giờ nó mới được khởi động lại", người này nói trong tức tối.
China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - không thể hoàn thiện các dự án vì cuộc khủng hoảng tiền mặt. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Những dự án dở dang
Tình cảnh của Sunshine Peninsula và các dự án khác đã phơi bày mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ đang đè nặng lên China Evergrande Group - tập đoàn bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới.
Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt, những thiệt hại do khoản nợ khổng lồ của China Evergrande đã trở nên khó có thể làm ngơ. Gần 800 dự án của tập đoàn vẫn chưa được hoàn thành, rải rác trên khắp 200 thành phố của Trung Quốc.
Các khách mua nhà của China Evergrande đã hoảng loạn. Nhiều người kéo đến văn phòng của tập đoàn để đòi lại tiền.
Để thúc đẩy sự phát triển của China Evergrande, tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập tập đoàn - thường vay 2 lần trên mỗi dự án mà ông phát triển. Trước tiên, ông Hứa vay từ các ngân hàng. Sau đó, ông vay của khách mua nhà. Nhiều người mua nhà thậm chí trả trước 100%.
Một người phụ nữ 40 tuổi đã ký hợp đồng mua hồi tháng 8/2020. Bà trả 50% giá mua 2 triệu NDT (310.000 USD) vào tài khoản ngân hàng do China Evergrande chỉ định. Nhưng hóa ra, đó không phải tài khoản ủy thác giữ mà các cơ quan quản lý yêu cầu để giám sát chi tiêu của tập đoàn.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn tập trung xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng, phục vụ bộ phận người mua đông đảo hơn. Ảnh: New York Times. |
Theo truyền thông Trung Quốc, vào tháng 7, các nhà chức trách đã yêu cầu China Evergrande tạm dừng bán căn hộ trong 2 dự án ở tỉnh Hồ Nam. Nguyên nhân là tập đoàn không chuyển tất cả số tiền thu được vào tài khoản ngân hàng được cơ quan quản lý giám sát.
Một số người nghi ngại rằng China Evergrande đã sử dụng số tiền thu được của khách mua để trả cho chủ nợ. "Tôi chỉ muốn biết chuyện gì đang diễn ra", người phụ nữ mua nhà của China Evergrande tuyệt vọng.
"Chẳng có gì ngoài những tin xấu. Nhưng China Evergrande không nói một lời nào với chúng tôi", một thanh niên khoảng 20 tuổi tức tối. Anh này đã đặt cọc hàng trăm nghìn NDT hồi tháng 4.
"Tôi muốn hủy hợp đồng và đòi lại tiền đặt cọc. Tôi chấp nhận chịu lỗ", người này chia sẻ.
Người mua ngồi trên đống lửa
China Evergrande không phải tập đoàn duy nhất đối mặt với khủng hoảng. Tập đoàn HNA và nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup đã đều phải tái cơ cấu. Tuy nhiên, không vụ đổ vỡ nào gây ra tác động nghiêm trọng như China Evergrande. Nguyên nhân nằm ở mối quan hệ giữa đất nước 1,4 tỷ dân và lĩnh vực bất động sản.
Người Trung Quốc mua nhà với niềm tin rằng giá nhà chỉ có thể tăng lên. Giá nhà đất tăng phi mã cùng sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ qua.
Đối với người Trung Quốc, sở hữu một hoặc nhiều ngôi nhà là thước đo thành công, là yếu tố tiên quyết để tiến tới lập gia đình. Vì thế, một số người đã "bỏ hết trứng vào giỏ bất động sản".
Tuy nhiên, bom nợ hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã làm lung lay niềm tin vào thị trường bất động sản Trung Quốc. Hôm 22/9, chính quyền thành phố An Khánh (tỉnh An Huy) đã hủy bỏ hợp đồng về quyền sử dụng đất cho một công ty liên kết của China Evergrande.
Chẳng có gì ngoài những tin xấu. Nhưng China Evergrande không nói một lời nào với chúng tôi. Tôi muốn hủy hợp đồng và đòi lại tiền đặt cọc. Tôi chấp nhận chịu lỗ
- Một khách mua nhà giấu tên của China Evergrande
Công ty đã không thể thanh toán các khoản phí như thỏa thuận, dừng mọi hoạt động phát triển và bán nhà của dự án đang được triển khai tại đó.
Khu đất rộng hơn 110.000 m2 với 19 chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng và cơ sở thương mại. Chính quyền thành phố đang lên kế hoạch đấu thầu lại khu đất này.
"Công ty yêu cầu chúng tôi đến làm. Nhưng chẳng có gì để làm", một nhân viên tại trung tâm bán hàng chia sẻ.
China Evergrande không dừng mọi dự án xây dựng. Tập đoàn đang có kế hoạch mở một sân vận động ở ngoại ô Quảng Châu vào cuối năm 2022. Việc xây dựng hiện vẫn được tiến hành với quy mô lên tới 12 tỷ NDT.
"Nó sẽ là biểu tượng mới của thị trấn chúng tôi. Việc xây dựng không dừng lại", một nhân viên bảo vệ tại công trường chia sẻ.
Một số người cho rằng sân vận động mới sẽ được bán với một khoản tiền đáng kể. Đó là lý do China Evergrande ưu tiên hoàn thiện dự án này.