Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

China Evergrande không thể trả tiền thuê văn phòng

Biển tên của China Evergrande đã bị gỡ khỏi tòa trụ sở ở Thâm Quyến. Tập đoàn muốn chuyển tới tòa nhà khác để tiết kiệm tiền thuê.

Theo Nikkei Asian Review, biển tên của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - tại trụ sở Thâm Quyến đã bị gỡ xuống.

Dòng chữ "Evergrande Group" giờ chỉ còn trơ trọi "Ever". Trong một tuyên bố hôm 10/1, China Evergrande cho biết họ đã chuyển đến một tòa nhà khác thuộc sở hữu của tập đoàn để tiết kiệm tiền thuê nhà.

China Evergrande đã rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trong nhiều tháng qua. Tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới đối mặt với số tiền phải trả hơn 300 tỷ USD.

China Evergrande pha san anh 1

Biển tên của China Evergrande đã bị gỡ khỏi tòa trụ sở ở Thâm Quyến. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Khủng hoảng tiền mặt

Công ty đang chịu sự giám sát trực tiếp của chính quyền tỉnh Quảng Đông. Một ủy ban quản lý rủi ro mới đã được ra đời, bao gồm những quan chức địa phương và giám đốc điều hành của các doanh nghiệp quốc doanh.

Hồi đầu tháng 12/2021, Fitch hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

Doanh số bất động sản năm 2021 của China Evergrande lần đầu giảm mạnh trong vòng ít nhất 10 năm. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng thanh khoản và khách mua nhà mất niềm tin.

Theo tính toán của Bloomberg, doanh số bán nhà trong năm 2021 (tính theo hợp đồng) của China Evergrande đã giảm 39% so với năm trước đó xuống 443 tỷ NDT (tương đương 70 tỷ USD). Hồi đầu năm, tập đoàn đặt mục tiêu 750 tỷ NDT.

Doanh số bán nhà của tập đoàn này gần như đóng băng kể từ hồi tháng 10. Tính đến ngày 20/10, doanh số tính theo hợp đồng đã đạt 442 tỷ USD.

Doanh số bán bất động sản của China Evergrande đã giảm đều đặn kể từ hồi giữa năm. Nguyên nhân là các hoạt động xây dựng nhà ở bị đình trệ bởi tập đoàn không thể thanh toán cho nhà cung cấp và nhà thầu.

China Evergrande pha san anh 2

Doanh số bán nhà của China Evergrande đóng băng trong những tháng qua. Ảnh: Reuters.

Các khách mua nhà đã tập trung ở những trụ sở của China Evergrande trên khắp Trung Quốc để đòi lại tiền.

Ông Hứa đang thúc giục các nhân viên làm việc chăm chỉ để giao nhiều nhà đến tay khách hàng hơn. Ông cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ xây dựng những dự án nhà ở, thúc đẩy doanh số bán hàng và nhanh chóng trả hết khoản nợ khổng lồ.

“Miễn là chúng ta cố gắng, bằng mọi giá, để tiếp tục xây dựng các dự án nhà ở, chúng ta sẽ có thể giao nhà cho khách hàng”, ông Hứa nhấn mạnh.

Theo ông Hứa, China Evergrande đã đặt mục tiêu giao 39.000 căn nhà từ 115 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc. Để so sánh, từ tháng 9 đến tháng 11, tập đoàn chỉ có thể giao dưới 10.000 căn mỗi tháng.

Theo tuyên bố của tập đoàn, hơn 89.000 công nhân đang tham gia vào hoạt động xây dựng. Năng suất đã trở lại 92%, cao hơn 40 điểm phần trăm so với tháng 9.

Tính đến ngày 30/6, China Evergrande có tới 778 dự án tại 233 thành phố trên khắp Trung Quốc. Một số dự án đã bị tạm dừng thi công.

Thị trường bất động sản hạ nhiệt

Cuộc khủng hoảng của China Evergrande đã làm rung chuyển ngành công nghiệp bất động sản, các thị trường cổ phiếu và trái phiếu trên toàn cầu.

Hôm 10/1, Fitch, S&P và Moody's Investors Service đã hạ xếp hạng tín nhiệm của một loạt nhà phát triển bất động sản khác, bao gồm Shimao Group - tập đoàn từng được coi là có sức khỏe tài chính tốt.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá cổ phiếu của Shimao Group đã lao dốc 17% chỉ trong một thời gian ngắn. Reuters đưa tin nhà phát triển bất động sản không thể trả hết khoản vay ủy thác.

Cụ thể, theo Ủy ban Tín dụng Trung Quốc, Shimao đã không thể trả đúng hạn khoản thanh toán 645 triệu NDT (101 triệu USD). Sau đó, một công ty con của Shimao cho biết họ đang đàm phán để xử lý khoản nợ.

Trong vài tháng gần đây, một số nhà phát triển bất động sản khác cũng gặp khó khăn trong việc trả nợ. Nhưng Shimao Group là một trong những trường hợp đáng lo ngại nhất.

Trong thời gian tới, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu, các khoản vay và những loại sản phẩm tài chính khác

Ông Gary Ng tại Natixis

"Lý do khiến thị trường lo ngại là Shimao Group từng là một nhà phát triển bất động sản tương đối khỏe mạnh", ông Gary Ng - nhà kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis - bình luận.

Ông nhấn mạnh rằng Shimao từng đáp ứng cả ba yêu cầu mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra để kiểm soát nợ của các nhà phát triển Trung Quốc, còn gọi là "ba lằn ranh đỏ".

Theo phân tích của Natixis, sự lạc quan của thị trường đối với các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc ngày càng sụt giảm mạnh mẽ trong vài tháng qua.

Hồi tháng 6, thị trường chỉ xếp 15% công ty địa ốc vào nhóm tiêu cực. Nhưng con số đã tăng lên 35% trong tháng 12, sau khi China Evergrande không thể trả tiền đúng hạn cho các nhà đầu tư và nhiều tập đoàn khác gặp khó về mặt tài chính.

"Trong thời gian tới, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu, các khoản vay và những loại sản phẩm tài chính khác", ông Gary Ng tại Natixis nhận định.

Dấu hiệu cho thấy ngành địa ốc Trung Quốc sẽ tiếp tục chao đảo

Ngành công nghiệp bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đã chịu áp lực nặng nề. Một trong những tập đoàn bất động sản từng được coi là khỏe mạnh của Trung Quốc đã vỡ nợ.

Doanh số bất động sản của China Evergrande đóng băng

Kể từ khi China Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt, doanh số bán nhà của tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới gần như đóng băng.

Gia vang kho tang tuan toi hinh anh

Giá vàng khó tăng tuần tới

0

Biến động trong biên hẹp tuần này cho thấy kim loại quý vẫn đang bị giới hạn. Chuyên gia Phố Wall và nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đang bối rối về triển vọng của giá vàng tuần tới.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm