Trước Covid-19, những con chim sẻ đầu trắng ở thành thị tạo ra âm thanh lớn gấp ba lần những con sẻ vùng nông thôn, CNN dẫn lại nghiên cứu. Khi Covid-19 ập đến, các nhà nghiên cứu nhận thấy cường độ âm thanh ở các khu vực đô thị thấp hơn đáng kể. Trên thực tế, số liệu này tương tự cường độ âm thanh của lưu lượng giao thông vào giữa những năm 1950.
“Nói cách khác, lệnh phong tỏa Covid-19 đã tạo ra một mùa xuân im lặng trên toàn khu vực vịnh San Francisco”, các nhà khoa học cho biết. “Chúng tôi phát hiện những con chim hót nhẹ nhàng hơn khi mức độ tiếng ồn thấp hơn”.
Thời gian phong tỏa trong dịch Covid-19 đã tạo ra một "mùa xuân im lặng" khắp vùng vịnh San Francisco và khiến loài chim sẻ đầu trắng thay đổi cách hót. Ảnh: Shutterstock. |
Bằng cách phân tích dữ liệu về lưu lượng giao thông qua cầu Cổng Vàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy lượng phương tiện giao thông giai đoạn tháng 4-5 đã xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 1954.
Các loài chim phản ứng với sự thay đổi này bằng cách tạo ra âm thanh ở biên độ thấp hơn nhưng hiệu quả hơn. Kiểu âm thanh này giúp chúng tối đa hóa khoảng cách giao tiếp và khiến âm thanh của chúng nổi bật hơn.
Mặc dù những con chim hót nhẹ nhàng hơn, nghiên cứu cho thấy khoảng cách giao tiếp của chúng tăng gần gấp đôi, nâng cao khả năng giao phối.
“Ngoài ra, tỷ lệ tín hiệu trên nhiễu tăng gấp đôi. Điều này giúp giải thích các ý kiến cho rằng tiếng chim hót nghe có vẻ to hơn trong thời gian phong tỏa”, theo các nhà nghiên cứu.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể có được dữ liệu tiếng ồn của những năm 1950, họ cho biết các dữ liệu hiện có chỉ ra rằng một sự thay đổi ngắn nhưng đáng kể trong hành vi của con người đã loại bỏ được hậu quả của hơn một nửa thế kỷ ô nhiễm tiếng ồn.