Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu trốn thuế của Starbucks

Suốt 15 năm qua, Starbucks báo cáo là thua lỗ 30 triệu bảng Anh để tránh không phải đóng thuế lợi nhuận.

Chiêu trốn thuế của Starbucks

Suốt 15 năm qua, Starbucks báo cáo là thua lỗ 30 triệu bảng Anh để tránh không phải đóng thuế lợi nhuận.

Trong giới kinh doanh, chỉ cần thua lỗ liên tục vài năm thì doanh nghiệp (DN) buộc phải thay đổi về cả chiến lược kinh doanh, tổ chức và nhân sự. Nhưng nếu DN suốt 15 năm liền thua lỗ trong khi doanh thu tăng, có nghĩa là không bình thường. Chỉ có thể có một câu trả lời duy nhất là DN này chủ ý tính lỗ để trốn thuế. Starbucks ở Anh năm 2012 và ở Đức trước đó là điển hình.

 
Starbucks không phải là hãng lớn duy nhất trên thế giới sử dụng chiêu thức tính lỗ để trốn thuế.

Starbucks là một trong những thương hiệu lừng danh trên thế giới. Hãng xếp hạng giá trị thương hiệu Interbrand xếp nó năm 2012 ở thứ 88 với giá trị thương hiệu gần 4,1 tỷ USD trong số 100 thương hiệu sáng giá nhất thế giới. Sau Đức, Anh là thị trường quan trọng thứ hai của Starbucks ở châu Âu.

Doanh số kinh doanh năm 2012 của Starbucks tăng 4% so với năm trước đó, và đạt 413 triệu Bảng Anh. Vậy mà Starbucks báo cáo là thua lỗ 30 triệu Bảng Anh nên không phải đóng thuế lợi nhuận. Cứ như thế suốt 15 năm qua. Lý giải của Starbucks là các chi nhánh của Starbucks ở nước Anh tuy kinh doanh phát đạt thật, nhưng phải nộp "lệ phí bản quyền" cho công ty mẹ rất nhiều nên thua lỗ.

Starbucks không phải là hãng lớn duy nhất trên thế giới sử dụng chiêu thức tính lỗ để trốn thuế. Apple hay Amazon, Google hay Bayer, BASF hay VW... tất cả các thương hiệu này "lòng vả cũng như lòng sung" trong chuyện tính kế kiếm cách trốn thuế. Đương nhiên, họ không sử dụng ngôn từ "trốn thuế" mà dùng khái niệm "mô hình sáng tạo tiết kiệm thuế".

Cách làm của họ, có thể thấy rõ nét nhất ở Starbucks, là đóng thuế lợi tức ở nơi áp dụng mức thuế thấp như Hà Lan hay Luxembourg chẳng hạn, và trốn thuế ở những nơi áp dụng mức thuế cao như Anh, Đức hoặc ở Mỹ. Để đạt được mục đích ấy, họ thành lập mạng lưới công ty mẹ con ràng buộc lẫn nhau, theo phương châm càng phức tạp và rối càng tốt.

Các công ty mẹ đóng trụ sở ở nơi áp dụng mức thuế thấp. Các công ty con ở nơi áp dụng mức thuế cao thường không được tự chủ về tài chính và kế toán, trả lệ phí bản quyền và mua thương hiệu rất cao, thậm chí cả trả lãi cho nguồn vốn có trong điều lệ và vốn kinh doanh, có nghĩa là tất tần tật những khoản được trừ trước khi nộp thuế đều nhiều và cao như có thể được. Con tuy lỗ trong sổ sách nhưng mẹ lại lãi trên thực tế vì lọt sàng xuống nia.

Hãng Apple còn có độc chiêu là tiền dự trữ ở nước ngoài rất nhiều nhưng vẫn đi vay tiền trên thị trường tài chính ở Mỹ để chi trả. Rồi khoản lãi của công ty con được chu chuyển và phân tán đi nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau để cuối cùng trên sổ sách chỉ thấy lỗ dài hết năm này đến năm khác. Mà đã kinh doanh thua lỗ thì làm gì có lãi để mà phải nộp thuế lợi tức.

Trách cứ Starbucks hay các hãng trốn thuế như thế không phải vô cớ. Nhưng chừng nào luật pháp giữa các nước chưa thống nhất thì chừng đó vẫn chưa thể hết những lỏng lẻo và bất cập về pháp lý nên DN vẫn... lách luật.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm