Lừa đảo bằng tin nhắn điện thoại là thủ đoạn không mới nhưng diễn biến ngày càng tinh vi hơn trong thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều nạn nhân bị lừa mà không hay biết.
Gửi tin nhắn trúng thưởng, đấu giá sản phẩm
Lừa người sử dụng dịch vụ di động thông qua nhắn tin là một trong những hình thức được áp dụng nhiều nhất thời gian qua.
Những tin nhắn lừa đảo kiểu này thường có nội dung mời soạn tin theo cú pháp rồi gửi đầu số để được tặng tiền vào tài khoản hoặc nghe nhạc miễn phí. Khi người dùng nhắn tin theo cú pháp trên, tài khoản sẽ bị trừ tiền. Số tiền đó được tự động nạp vào tài khoản game hoặc thuê bao trả trước cho đối tượng lừa đảo.
Tin nhắn trúng thưởng là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến qua điện thoại di động. Ảnh: NVCC. |
Một hình thức lừa đảo khác là các dịch vụ trò chơi, giải trí trúng thưởng iPhone, xe máy, máy nghe nhạc.... nhưng không niêm yết một mức giá cước rõ ràng.
Khi người dùng soạn tin nhắn theo cú pháp được hướng dẫn, tài khoản của chủ thuê bao sẽ bị trừ một số tiền nhất định. Mức này thường cao gấp nhiều lần so với giá cước tin nhắn thông thường của các nhà mạng. Tuy nhiên, thực tế, không ai trúng thưởng trò chơi trên, hoặc có người trúng nhưng không được thông báo.
Cũng với hình thức soạn tin theo cú pháp, gần đây, tin nhắn lừa đảo còn biến tướng sang kiểu đề nghị người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ, để có cơ hội nhận tặng phẩm có giá trị cao. "Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Nokia E72. Bạn có cơ hội trúng xe máy Airblade nếu giá bạn đoán là thấp nhất và duy nhất" là một trong những mẫu tin nhắn dạng này.
Nhiều người cả tin tham gia, sau đó mới vỡ lẽ, tiền của mình đã "không cánh mà bay" và sẽ chẳng khi nào trúng được điện thoại hay xe máy.
Gửi tin nhắn nạp thẻ chơi game, giải trí
Chiêu này cũng có cách thức giống với trò nhắn tin trúng thưởng. Nhưng để lấy được lòng tin từ người dùng, thay vì nạp thẻ trúng thưởng, số thuê bao lạ thay nội dung là nạp thẻ chơi game, nghe bài hát, hoặc nhận được những tin nhắn từ người thân yêu.
Kiểu lừa đảo thông qua tin nhắn nạp thẻ game, nghe bài hát. Ảnh: NVCC. |
Ngoài chiêu dụ người dùng soạn cú pháp để trừ cước gửi cao, những người lừa đảo kiểu này còn hướng dẫn chủ thuê bao nhấp vào đường link trang web ảo gửi kèm, để tự động đăng ký dịch vụ và trừ tiền hàng tháng. Chủ thuê bao không muốn sử dụng dịch vụ nhưng vẫn bị trừ tiền mà không hay biết.
Lừa nạp nhầm thẻ, đóng vai người thân
Cũng theo phản ánh của người sử dụng di động, gần đây xuất hiện chiêu lừa đảo nạp tiền nhầm từ tin nhắn rác. Một đầu số ảo giống số tổng đài của các nhà mạng gửi tin đến với thông báo: "Chúc mừng bạn đã được chủ thuê bao xxxx gửi tặng ... đồng...". Khoảng vài giây sau, một số lạ sẽ nhắn tin tới người dùng với nội dung: “Anh chị gì ơi, em chuyển tiền cho bạn em mà lại nhầm số. Anh chị cho em xin lại với”.
Tin là có sự nhầm lẫn thật, chủ thuê bao soạn tin nhắn chuyển tiền lại cho thuê bao trên. Song thực tế, họ không hề nhận được khoản tiền nào, đầu số 195 thông báo tài khoản là giả mạo. Đến lúc kiểm tra, người dùng mới ngã ngửa bị trừ hết số tiền có trong tài khoản.
Chiêu thức "xin lại tiền" là một trong những hình thức lừa đảo qua điện thoại di động xuất hiện thời gian qua. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Thời gian qua, không ít người dùng cả tin mất tiền bởi chiêu lừa đảo tinh vi hơn. Một chủ thuê bao cho biết, bỗng dưng nhận được SMS từ một số máy lạ với nội dung như: "Hòa này, khoẻ không?", "Dạo này công việc thế nào rồi...?" đóng vai là bạn bè, người thân quen biết của chủ thuê bao. Sau khi người dùng nhắn tin trở lại, số máy lạ tung chiêu: "Có việc rất quan trọng và cần giúp đỡ mua thẻ cào".
Hình thức này phổ biến qua các ứng dụng Facebook, Skype,... nhưng gần đây được đổi sang tin nhắn điện thoại. Mặc dù được cảnh báo nhiều lần nhưng một số người nhẹ dạ cả tin vẫn bị lừa.
Nhắn tin nội dung khiêu khích rồi trừ tiền
Tinh vi hơn những trò lừa đảo trên, hình thức mới xuất hiện gần đây là gửi tin nhắn mang nội dung khiêu khích đến người dùng, nhằm "kích" chủ thuê bao gọi lại, sau đó, sẽ trừ tiền.
Một dạng tin nhắn lừa đảo kiểu khiêu khích. Ảnh: NVCC. |
Một hình thức lừa đảo khác là đối tượng xấu dùng số thuê bao giống của các nhà mạng lớn nhá máy để người dùng gọi lại. Khi đó, dù đầu dây bên này không nghe máy nhưng người dùng điện thoại vẫn sẽ bị trừ tiền 10.000 đến 40.000 đồng một phút. Tuy nhiên, để tránh bị phát hiện, thông thường, một đầu số chỉ lừa một chủ thuê bao. Sau khi người dùng mắc mưu, chúng huỷ số và thay thế số khác để tung chiêu tương tự.
Với hình thức lừa đảo trắng trợn này, cơ quan chức năng cho biết đang vào cuộc để điều tra.