Theo Wall Street Journal, Valdunes SAS của Pháp đã bán bánh xe giá cao cho tàu cao tốc và các hệ thống đường sắt khác trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ. Nhưng chiến lược đó thay đổi sau khi một tập đoàn công nghiệp quốc doanh Trung Quốc mua lại Valdunes vào năm 2014.
Chủ sở hữu mới - Maanshan Iron & Steel Co., hay MA Steel - đã hạ giá sản phẩm để mở rộng thị phần. "Chúng tôi được thông báo thẳng thừng rằng không nên bỏ lỡ bất cứ đơn hàng nào", ông Jérôme Duchange, cựu giám đốc điều hành cấp cao của Valdunes tại Pháp, chia sẻ. "Họ khao khát chinh phục", ông bình luận.
Công ty Pháp hiện phải trao cho công ty thép Trung Quốc công thức chế tạo bánh xe của tàu cao tốc. Valdunes cũng giúp chủ sở hữu Trung Quốc theo đuổi một mục đích lớn hơn. Đó là đánh chiếm lĩnh vực đường sắt châu Âu và các thị trường lớn khác trên thế giới.
Công ty Pháp nhận được những khoản vay lãi suất thấp của các nhà băng Trung Quốc và 150 triệu euro (tương đương 181 triệu USD) từ MA Steel để duy trì hoạt động.
Các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc mua lại hàng loạt công ty sản xuất phương Tây. Ảnh: Getty Images. |
Rót vốn ồ ạt
Trong 10 năm qua, Bắc Kinh trợ cấp hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp quốc doanh để mua lại hàng loạt công ty sản xuất phương Tây. Họ xây dựng những nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Giờ đây, các nhà máy đó đang thống trị thị trường toàn cầu với hàng hóa giá rẻ trong mọi lĩnh vực, từ lốp ôtô, thiết bị đường sắt, sợi thủy tinh đến thép.
"Các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng. Họ đầu tư vào khắp mọi nơi", bà Luisa Santos, Phó giám đốc BusinessEurope, bình luận. "Điều đó có nghĩa là những sai sót ở thị trường Trung Quốc sẽ được 'xuất khẩu' sang những thị trường khác", bà nhấn mạnh.
Liên minh châu Âu (EU) mới đề xuất luật nhằm ngăn các công ty ở châu Âu được chính phủ nước ngoài trợ cấp. Đó là một trong hàng loạt biện pháp kìm hãm sự bành trướng của doanh nghiệp Trung Quốc.
Trên thực tế, Mỹ và các quốc gia ở châu Âu cũng trợ cấp cho ngành công nghiệp trong nước, thường thông qua giảm thuế, trợ cấp xuất khẩu, chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển. Nhưng vấn đề của Trung Quốc nằm ở chỗ những doanh nghiệp quốc doanh nước này đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế. Bắc Kinh cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng sang nước ngoài.
Mỹ và châu Âu từ lâu đã thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đòn thuế để trừng phạt Trung Quốc. Việc hỗ trợ xuất khẩu thông qua trợ cấp, giảm thuế và cấp tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh giúp đất nước tỷ dân đi lên nhanh chóng. Tuy nhiên, quy định của WTO không thể hạn chế những khoản trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất Trung Quốc ở nước ngoài.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy của MA Steel ở Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: Getty Images. |
Do đó, các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc bên ngoài Trung Quốc thường chịu mức thuế thấp hơn những nhà máy địa phương. Nhiều trường hợp thậm chí không phải trả thuế.
Theo các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây, những công ty Trung Quốc hoạt động tại nước ngoài thu rất ít lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Đổi lại, họ giành thị phần quyết liệt và thực hiện được mục tiêu của chính phủ.
"Trung Quốc có thể không bao giờ quan tâm đến lợi nhuận, bởi đó là một nền kinh tế phi thị trường", ông Michael Wessel, thành viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc, nhận định.
Ủy ban đang khuyến khích Quốc hội Mỹ trao quyền cho Ủy ban Thương mại Liên bang nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài nhận trợ cấp của chính phủ mua lại doanh nghiệp trong nước.
Trung Quốc có thể không bao giờ quan tâm đến lợi nhuận, bởi đó là một nền kinh tế phi thị trường
Ông Michael Wessel
Theo Ủy ban, Washington nên nắm quyền giám sát các kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ của những công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Bởi đó có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế.
Trong khi đó, luật do EU đề xuất cho phép Ủy ban châu Âu ngừng hoạt động mua lại của những công ty được chính phủ nước ngoài trợ cấp, hoặc áp đặt hạn chế để ngăn việc bóp méo thị trường châu Âu.
Luật của EU cũng giới hạn mức trợ cấp của các quốc gia thành viên dành cho khu vực tư nhân. Mục đích của luật trợ cấp là tạo ra một sân chơi bình đẳng. Doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu không thể hưởng lợi từ những khoản trợ cấp của chính phủ Bắc Kinh, trong khi công ty châu Âu bị cấm tương tự.
Đáp trả, Trung Quốc khẳng định các hành động của phương Tây nằm trong nỗ lực kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước. "Các nước phương Tây lớn tạo ra hầu hết quy tắc thương mại thế giới. Đó là cách họ duy trì sự thống trị", phát ngôn viên Hua Chunying của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích.
Chính phủ Trung Quốc đang đề nghị xóa bỏ các hạn chế đối với đầu tư của châu Âu vào nền kinh tế Trung Quốc. Đây là một phần của thỏa thuận đầu tư ký với EU vào tháng 12. Tuy nhiên, EU khẳng định sẽ thúc đẩy luật trợ cấp bất kể hiệp định đầu tư ra sao.
Phá giá để chiếm thị phần
Hồi tháng 1, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá đối với lốp xe của một số quốc gia, bao gồm Thái Lan. Các khoản đầu tư của Trung Quốc đã đưa Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu lốp xe lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng xây dựng nhà máy sản xuất lốp xe ở Algeria, Serbia và các nơi khác để xuất khẩu sang phương Tây và tránh đòn thuế.
Năm ngoái, EU cũng đánh thuế các nhà sản xuất sợi thủy tinh của Trung Quốc. Họ xây dựng nhà máy tại một khu công nghiệp do Trung Quốc điều hành ở Ai Cập.
Các công ty Trung Quốc ở Ai Cập bị phát hiện nhận những khoản vay và trợ cấp trị giá hàng trăm triệu USD từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Chúng được thực hiện thông qua công ty mẹ của những công ty con của Ai Cập tại Trung Quốc.
Đến tháng 2, EU cũng mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng một trong những nhà máy luyện thép không gỉ lớn nhất thế giới tại một đặc khu ở Indonesia.
Lối vào một khu công nghiệp do Trung Quốc điều hành ở Ai Cập. Ảnh: Getty Images. |
Khi MA Steel mua Valdunes với giá 13 triệu euro, công ty Pháp đang gặp khó khăn về tài chính. MA Steel coi việc mua lại là cách để mở rộng các kênh bán hàng nước ngoài và nắm bí quyết chế tạo bánh xe chính xác cho tàu cao tốc.
Valdunes sau đó được đổi tên thành MG-Valdune. Công ty Pháp nhận các khoản vay của Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc với lãi suất chỉ 1-2%.
Theo ông Jérôme Duchange - cựu giám đốc điều hành cấp cao của Valdunes, MA Steel đã yêu cầu ban lãnh đạo Valdunes bán hàng bằng mọi cách, bất kể giảm giá và tăng chi phí tới mức nào. Chiến lược đó đã khiến công ty thua lỗ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, MA Steel cho biết công ty sẽ tăng giá trở lại sau khi chiếm thị phần. Valdunes sau đó bắt đầu xuất khẩu bánh xe giá rẻ sang Australia. Sự gia tăng nhập khẩu từ cả hai nhà máy của Valdunes và MA Steel ở Trung Quốc khiến Australia áp thuế chống bán phá giá với hai công ty.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng. Họ đầu tư vào khắp mọi nơi. Điều đó có nghĩa là những sai sót ở thị trường Trung Quốc sẽ được 'xuất khẩu' sang những thị trường khác
Luisa Santos, Phó giám đốc BusinessEurope
Cũng trong năm đó, MA Steel thông qua khoản tài trợ 70 triệu euro khác cho Valdunes. "Valdunes là cầu nối để công ty thâm nhập sâu hơn vào châu Âu và các thị trường nước ngoài", MA Steel khẳng định.
MA Steel thậm chí cử kỹ sư của Valdunes sang giúp các nhà máy ở Trung Quốc chế tạo bánh xe cho tàu cao tốc. Những bánh xe này đòi hỏi kỹ thuật chính xác hơn nhiều các bánh xe mà MA Steel đã chế tạo cho tàu hàng.
MA Steel đang đẩy mạnh tận dụng Valdunes để hoàn thiện và giao những bánh xe được sản xuất ở Trung Quốc cho các khách hàng châu Âu. "Tôi sợ rằng dần dần chúng tôi thậm chí không thể sản xuất tại Pháp nữa", ông Duchange chia sẻ. Ông đã rời khỏi Valdunes vào năm 2019.
Cuối năm 2019, MA Steel đã gia nhập China Baowu, công ty thép lớn nhất đất nước, thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. MA Steel cho biết họ sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng toàn cầu thông qua Valdunes.