Chiêu tăng vốn 'độc' của những đại gia địa ốc
Kinh doanh không hiệu quả, lãi vay tăng mạnh, cả Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai đều bất ngờ đưa ra phương án tăng vốn "biến chủ nợ thành cổ đông".
Trong tháng 4 tới, công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) dự định sẽ tăng vốn thêm 650 tỷ đồng để đưa vốn điều lệ của công ty lên gần 2.000 tỷ. QCG dự kiến thu được 136,5 tỷ đồng từ vốn chuyển đổi trái phiếu cho quỹ đầu tư VOF PE Holding 5 Limited và 513,5 tỷ đồng là vốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Giống Quốc Cường Gia Lai, một ông lớn khác là Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng lên phương án tăng vốn điều lệ với nội dung tương tự. Theo đó, với 3.000 tỷ đồng thu được từ việc tiếp tục phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu Credit Suisse và cho cổ đông hiện hữu, có thể giúp công ty của bầu Đức rút ngắn chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và khoản nợ vay gần 16.000 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn qua chuyển đổi cổ phiếu lại được Quốc Cường Gia Lai áp dụng khi nợ vay của doanh nghiệp ở ngưỡng ngàn tỷ. |
Ngày 12/3, tập đoàn Vingroup (VIC) ra thông báo tăng vốn điều lệ. Tuy số vốn tăng thêm của công ty tỷ phú Việt đầu tiên được Forbes vinh danh chỉ chưa đến nửa tỷ đồng, kém xa so với hai "ông lớn" địa ốc trên. Tuy nhiên, về hình thức, VIC cũng dùng cổ phiếu phổ thông mới phát hành thêm để chuyển đổi lượng trái phiếu quốc tế đợt I.
Trong khi VIC tiếp tục được vào danh sách những doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ, Hoàng Anh Gia Lai và Quốc Cường Gia Lai lại đang gánh những số nợ khổng lồ. Chi phí lãi vay năm 2012 của công ty mẹ HAG tăng 26% so với năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 70%.
Tại đại hội thường niên 2012, đứng trước khoản nợ dài hạn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, bà Như Loan đã từng tự tin về khả năng trả hết nợ của Quốc Cường Gia Lai. Thế nhưng, sau một năm, số nợ vay của doanh nghiệp này vẫn ở mức nghìn tỷ, với chi phí lãi vay chỉ giảm chút ít so với năm trước.
Để có tài sản đảm bảo cho khoản nợ lên tới 930 tỷ đồng đầu tư dự án cơ sở hạ tầng khu dân cư 6A Phước Kiến tại huyện Nhà Bè, TP.HCM, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai thậm chí phải thế chấp số cổ phiếu trị giá 124,2 tỷ đồng của mình. Đó là chưa kể đến việc hàng loạt VIP của doanh nghiệp này đang là chủ nợ lẫn con nợ của chính doanh nghiệp, trong một danh sách vay vốn chéo có tên của cả con gái bà Chủ tịch.
Theo một chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp địa ốc xoay vốn bằng cách biến chủ nợ thành cổ đông. "Khó tiếp cận vốn ngân hàng, các khoản nợ lớn đang tới thời gian đáo hạn trong khi hàng tồn kho chất đống, lợi nhuận không đủ trả lãi có thể là những nguyên nhân chính. Tất nhiên, khi chuyển từ chủ nợ sang chủ sở hữu, nhà đầu tư sẽ mất đi không ít quyền lợi, đặc biệt là quyền ưu tiên chi trả, và thông thường họ cũng sẽ phải trả số tiền lớn hơn thị giá hiện tại của cổ phiếu. Đôi khi đó cũng là một cách 'làm khó' chủ nợ, vì tất cả đang cùng ngồi chung trên một con thuyền", vị này phân tích.
Thực tế, không phải phương án phát hành cổ phiếu chuyển đổi nào cũng được thực hiện một cách êm xuôi như thế. Vào tháng 7/2012, QCG từng có ý định chuyển đổi 195 tỷ trái phiếu đáo hạn bằng cổ phiếu cho các nhà đầu tư riêng lẻ. Nhưng trước tình hình hoạt động không mấy sáng sủa của doanh nghiệp (lỗ lũy kế công ty mẹ năm 2011 là trên 37 tỷ đồng), chỉ có 30% chủ nợ đồng ý phương án chuyển đổi, với giá khoảng 10.524 đồng/đơn vị, cao gần gấp rưỡi thị giá khi đó của cổ phiếu QCG.
Phó tổng giám đốc HAG - ông Võ Trường Sơn cho biết kế hoạch tăng vốn trên đã được thông qua đại hội cổ đông trước đó, nhưng thời gian qua bị trì hoãn vì nhiều lý do khách quan, nên đến nay mới thực hiện được, chứ không phải bởi khó khăn về huy động vốn hay áp lực lãi vay.
"Đây không phải là phương án đưa ra trong điều kiện khó khăn vay vốn ngân hàng hay áp lực lãi vay. Thực tế, chúng tôi chỉ muốn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư muốn hợp tác lâu dài với công ty. Thỏa thuận chuyển đổi cổ phiếu với Credit Suisse đã được hai bên thông qua rồi, nên Hoàng Anh Gia Lai không có lo lắng về khả năng thất bại của phương án này", ông Sơn chia sẻ.
Hạ Minh
theo Infonet