Nội dung những trang này phần lớn chỉ chứa thông tin khuyến mãi ảo, ô nhập số seri, mã thẻ để lừa người dùng nhẹ dạ cả tin. Chiêu thức lừa đảo thường là khuyến mãi sự kiện đặc biệt với tỷ lệ 500% - gấp 10 lần hạn mức quy định của các nhà mạng.
Để người dùng tin tưởng, những website trên thường đưa ra mối quan hệ là có "ông chú làm ở Viettel, bà chị làm ở MobiFone"... kèm hình ảnh đã qua chỉnh sửa, thể hiện việc hưởng khuyến mãi thành công.
Để tạo niềm tin từ người dùng, website lừa đảo thường có kèm logo của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức lớn. |
Những kẻ lừa đảo tạo ra hàng chục trang web nhưng đều sử dụng tên miền, host miễn phí, với các từ khóa “nạp thẻ”, “khuyến mãi”, “thẻ cào” như khuyenmaithe, naptien, thenap, kmthecao...
Bên cạnh đó, chủ nhân của các website này còn đưa ra những bằng chứng như đường dây nóng, hỗ trợ đại lý, mạo danh một số đơn vị thanh toán uy tín. Thậm chí, chính phía lừa đảo lại đi cảnh báo lừa đảo cho người dùng với những lời có cánh.
Ngoài ra, để qua mắt người tiêu dùng, trên các website này đều có logo của ngân hàng, thông tin hình ảnh khẳng định đã đăng ký với cơ quan chức năng (thường là Bộ Công Thương), giải thưởng... Đáng chú ý, địa chỉ văn phòng đại diện của công ty lừa đảo được ghi khá chi tiết. Song các địa chỉ trên phần lớn là ảo, hoặc ở những vị trí đắc địa với giá thuê đắt đỏ ở các thành phố lớn nhưng không có thật.
Gần đây nhất, đơn vị tung khuyến mãi lừa đảo tự xưng “em của bà chị MobiFone” ghi địa chỉ công ty nằm tại tầng 65 của toà nhà Keangnam với giá thuê lên đến cả nghìn USD mỗi tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Zing.vn, địa chỉ văn phòng trên là ảo bởi đây là khách sạn cao cấp. Số điện thoại liên lạc ghi trên website cũng không có thật.
Sau khi nhấn nút thanh toán, số tiền tương ứng với giá trị thẻ nạp của người dùng sẽ bị chiếm đoạt. |
Theo tổng hợp từ các nhà mạng, kẻ gian thường lừa đảo theo 3 cách. Thứ nhất, người dùng được yêu cầu đổi mã số bí mật, bằng cú pháp bắn tiền đến số điện thoại. Cách thứ hai là người dùng mua thẻ cào, sau đó được hướng dẫn sử dụng cú pháp bắn tiền cho số điện thoại khác.
Tinh vi hơn cả là cách thứ ba, những kẻ lừa đảo xây dựng website ảo, chứa thông tin khuyến mãi và các ô nhập số seri, mã thẻ. Các thao tác nhập mã khá đơn giản. Sau khi người dùng nhấn nút "nạp tiền" hoặc "thanh toán", thông qua hệ thống tự động, giá trị thẻ đổi sang tiền mặt và chuyển về ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (trú ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, cách đây gần 1 tháng, chị bị lừa mất 200.000 đồng do tin nhắn Facebook của một người bạn. "Anh ấy là một người làm trong ngành công nghệ, cũng có uy tín nên gửi tôi mới tin. Nhưng sau đó tôi biết tin nhắn đó không phải anh ấy gửi mà tài khoản bị hack. Giờ thì tôi không còn tin những khuyến mại trên trời của mấy 'bà chị MobiFone' hay 'ông chú Viettel' đó nữa", chị Tuyết chia sẻ.
Mặc dù công an đã vào cuộc và bắt giữ một số đối tượng lừa đảo nạp thẻ sau vụ "ông chú Viettel", thế nhưng, tình trạng tương tự qua các mối quan hệ ảo vẫn diễn ra.
Trao đổi với Zing.vn, đại úy Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm lĩnh vực thông tin truyền thông - PC50, cho biết, theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tất cả các nhà mạng đều không được thực hiện chương trình khuyến mãi cao đến 200%, 500%, chỉ phổ biến mức 50%. Một số nhà mạng như Gmobile, Vietnamobile vẫn có chương trình khuyến mãi cao nhất đến 100% nhưng chỉ vào những dịp đặc biệt.
Cũng theo đại úy Vũ Việt Anh, trong quá trình xử lý các vụ việc như trên, đội đã kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông, kết hợp cùng các nhà mạng tuyên truyền, bằng cách nhắn tin khuyến cáo chiêu lừa đảo nạp thẻ đến các chủ thuê bao. Hiện tại, hầu hết người dân đã có nhận thức và cảnh giác cao.
Đội trưởng PC50 cho biết, gần đây, chiêu lừa này tái diễn và biến tướng thành các mối quan hệ của các nhà mạng, như "bà chị làm ở VinaPhone", "bà cô MobiFone", nhưng hình thức vẫn như cũ, nhằm kích thích sự tò mò của những người cả tin, ham tiền. Khi nạn nhân nhấn vào đường link trên Facebook sẽ có một trang web, dòng hướng dẫn nạp thẻ hiện ra. Toàn bộ số tiền nạn nhân nạp sẽ chuyển về tài khoản có sẵn. Tuy nhiên, theo ông, khi cơ quan chức năng phát hiện bất cứ trang web bất hợp pháp nào, họ sẽ chặn ngay lập tức.
"Các hoạt động lừa đảo thông qua ứng dụng, tin nhắn đều được ghi dấu và có thể tìm ra khi các nhà mạng phối hợp. Cá nhân nào cố tình vi phạm sẽ bị truy tố và xử phạt theo điều 226b Bộ luật Hình sự", đại úy Vũ Việt Anh cho biết.
Đại diện của MobiFone cho biết, khách hàng khi nhận được tin nhắn trên điện thoại từ số lạ, Facebook với tư vấn nhận khuyến mại bất thường chủ yếu là lừa đảo. "Để xác thực, người dùng nên gọi điện lên tổng đài hoặc vào website chính thức của nhà mạng để tìm hiểu chính xác, tránh những trò lừa quen thuộc", ông này chia sẻ.
Theo Điều 226b, Bộ luật Hình sự, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số, thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, hoặc làm giả thẻ ngân hàng, nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ, hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ.
- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.