Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu lừa cho thuê nhà trọ: Nói giá rẻ, quy định trên trời

Liên tục những ngày qua, nhiều bạn đọc là sinh viên gọi điện phản ánh về một điểm cho thuê trọ tại quận Bình Thạnh, TP HCM, gây bức xúc cho sinh viên.

Bằng cách công bố giá cho thuê phòng rẻ để sinh viên đặt tiền cọc, đến lúc làm hợp đồng đưa thêm nhiều quy định “trên trời”… khiến người thuê không thể thuê được nhà, phải bỏ tiền cọc… là cách những người tại căn nhà 36/… đường D2 (phường 25, quận Bình Thạnh) sử dụng trong thời gian qua.

Điện, nước: 700 nghìn đồng/người/tháng

Sáng 16/3, một bạn đọc gọi vào số điện thoại trên một tờ rơi dán trên cột điện “Dãy phòng cho thuê giá 900.000 - 1.300.000 đồng/phòng”. Giọng nữ nhấc máy xác nhận có cho thuê phòng. “Ở một mình là 1,1 triệu đồng/phòng”, người này cho biết. Sau đó người này tự bớt xuống còn 1 triệu đồng.

Theo địa chỉ chỉ dẫn, khách tìm đến căn nhà 36/… đường D2. Dẫn khách lên xem phòng là người phụ nữ tự giới thiệu tên Ánh.

Chỉ vào căn phòng ở lầu 1, rộng 20 m2, bà nói: Phòng đây. Ở một người là 1 triệu đồng. Ở hợp đồng dài hạn (trên 1 năm) thì tiền trọ mới tăng (theo giá thị trường), ngắn hạn thì không tăng. Hai người thì 1,4 triệu đồng/phòng.

Theo lời bà Ánh, “Điện, nước tính giá nhà nước: điện 3.000 đồng/KWh, nước 11.400 đồng/m3. Bill (hóa đơn) về chia đều”.  Bà này cũng cho biết mỗi người sử dụng tiền nước cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra còn “quảng cáo” thêm: có bảo vệ, an ninh tốt, dọn đến sẽ đăng kí tạm trú ngay.

Khi khách đồng ý thuê phòng, bà Ánh nói ngay: “Bây giờ phải đặt cọc trước 500.000 đồng. Tiền cọc trả vào tiền nhà tháng đầu tiên. Chắc chắn giữ phòng”.

Do khách là sinh viên không mang đủ tiền, bà này giảm xuống: “Đưa trước 200.000 - 300.000 đồng cũng được. Mai dọn đồ qua đưa đủ”. Tuy nhiên “đặt cọc 500.000 đồng thì ghi giấy tờ đầy đủ. Nếu đưa 200.000 -  300.000 đồng thì chỉ viết giấy tay" - bà này nói.

Đến ngày 17/3, bạn đọc đến làm hợp đồng, bà Ánh lại liệt kê: “Các khoản phải đóng liền mới được làm hợp đồng” lên tới hơn 3 triệu đồng. Nhất là tiền điện: 600.000 đồng/người.

“Tháng rồi mỗi người cỡ 200.000 đồng tiền nước, 700.000 - 800.000 đồng tiền điện. Mỗi phòng cỡ 1 triệu tiền điện nước mỗi tháng”, bà Ánh “cảnh báo”.

Khách thắc mắc sao chưa có hóa đơn mà phải đóng tiền, bà “dọa”: “Kể cả bill về cũng phải đóng thế mà. Một tháng tiền phòng dao động từ 2,2 triệu - 2,3 triệu đồng. Nói trước chứ ký hợp đồng mà đi trước là mất tiền thế chân”.

Căn nhà  36/… - nơi nhiều sinh viên đến xem nhà và đặt cọc nhưng không thuê được.
Căn nhà 36/… - nơi nhiều sinh viên đến xem nhà và đặt cọc nhưng không thuê được.

Ngày 18/3, bạn đọc đến gặp bà Ánh để lấy lại tiền cọc, không thuê nhà nữa. Bà Ánh cho một thanh niên dẫn khách qua căn nhà trên đường D5 (phường 25, quận Bình Thạnh).  

Tiếp khách là một người phụ nữ khác. Sau một hồi tính toán, bà này nói: “Tiền cọc lấy về được là 70.000 đồng”. Bà này cho biết cách tính là: 1triệu đồng chia cho 30 ngày. Mỗi ngày 33.000 đồng. Đặt cọc 3 ngày là 99.000 đồng. Cộng thêm tiền “phải chịu thêm khoảng thời gian trống là 10 ngày vì chị không biết ngày nào mới có người tới ở”.

Trong khi bạn đọc chỉ đặt cọc 3 ngày.

Khách không đồng ý, bà này đưa ra phương án: Đợi phòng đó có người thuê, sẽ trả tiền cọc lại. “Nếu không ai thuê tức là mất 500.000 đồng?”, khách hỏi.

“Đấy là tùy em, nếu em không lấy tiền, em đợi được thì đợi”, bà này trả lời.

“Cảm thấy bị lừa đảo”

Đó là cảm nhận của rất nhiều người khi đến đây thuê nhà.

Anh Phạm Công Hưng (một nạn nhân), cho biết: “Ngày 9/3, tôi đến địa chỉ trên xem phòng, đặt cọc 500.000 đồng. Ngày 12/3, quay lại nhận phòng, tôi được đưa một hợp đồng quy định phải thuê phòng 1 năm, phải sơn sửa lại phòng sau khi dọn đi. Trước đấy, họ chỉ thỏa thuận tiền phòng là 1 triệu đồng. Mục đích của họ là ép tôi bỏ tiền cọc. Tôi chỉ được trả lại 150.000 đồng”.

Anh Hưng cho biết: Tình trạng này còn diễn ra rất tội cho người xa quê, công nhân, sinh viên đi thuê nhà.

Cùng chung bức xúc là Trang (Sinh viên  ĐH Tài Chính Marketing). Trang cho biết vì cần nhà trọ gấp, thấy phòng rẻ, đẹp đã đặt cọc 700.000 đồng. Tuy nhiên, lúc đến lấy lại tiền cọc, Trang chỉ nhận lại được 200.000 đồng.

Trưa 16/3, khi chúng tôi đến xem nhà là lúc hai sinh viên định dọn đồ vào ở.

Bà Ánh yêu cầu họ làm hợp đồng trước, sau đó mới dọn đồ lên. Vẫn “chiêu” bắt đóng thêm tiền đưa ra. Khi sinh viên này quyết định không ở nữa, đòi lại tiền “cọc” thì chỉ trả lại 70.000 đồng. Nói qua nói về, cuối cùng 2 sinh viên này đành “ngậm ngùi” mang đồ đạc ra đi.

Bà Lê Thị Thúy - chủ nhà 36/…, cho biết: "Mấy tháng trước tôi có làm hợp đồng với chị Nguyễn Ngọc Ánh. Chị Ánh thuê 2 phòng của tôi. Hai bên thống nhất hợp đồng thuê là 1 năm. Mới ở được mấy tháng, Ánh nói không ở nữa, đồng thời sẽ kiếm khách thế vào hợp đồng. Sau đó, chị Ánh cho ai thuê phòng thì tôi không biết. Tiền cọc chị Ánh cũng không đưa cho tôi. Tôi rất bất ngờ, không biết có chuyện như vậy xảy ra. Tôi sẽ gọi điện thoại hỏi lại".

Công an phường 25 cho biết những nạn nhân nên kịp thời đến công an để trình bày, cung cấp nội dung vụ việc để công an sẽ tìm hiểu, xác minh và xử lý.

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP HCM):

Theo luật nhà ở, chỉ có chủ nhà mới được đứng ra giao dịch, cho thuê hoặc bán căn nhà của mình cho người khác.

Nếu người nhận cọc không phải chủ nhà thì phải được chủ nhà ủy quyền.

Tuy nhiên, trong các trường hợp kể trên, người nhận cọc không phải là chủ nhà, không được chủ nhà ủy quyền nhưng đứng ra cho thuê nhà, nhận cọc thì hợp đồng đặt cọc này là vô hiệu, vì bên nhận đặt cọc không đủ thẩm quyền đứng ra giao dịch.

Theo đó, bên nhận cọc thì phải trả lại hoàn toàn số tiền đã nhận.

Trong trường hợp bên nhận cọc đủ thẩm quyền như quy định, nhưng khi ký hợp đồng, họ lại đưa ra những quy định khác so với giao ước lúc đặt cọc, tức họ đã vi phạm hợp đồng, thì bên nhận cọc phải hoàn trả gấp đôi số tiền cọc đã nhận.

Nếu gặp tình huống trên, người đặt cọc có thể đến cơ quan công an hoặc tư pháp phường để được hướng dẫn, giải quyết.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng (Trưởng phòng hỗ trợ đời sống sinh viên, Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM)

Các bạn không nên tìm phòng trọ qua mạng hoặc những tờ rơi dán trên cột điện.

Theo tôi, cách tốt nhất chúng ta nên đến các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là những nơi giới thiệu miễn phí phòng trọ uy tín cho các bạn.

Khi đến thuê nhà, các bạn nhớ làm hợp đồng đặt cọc, thuê nhà rõ ràng, phải đọc kĩ các điều khoản quy định trong hợp đồng trước khi ký.

Sau khi thuê nhà, các bạn nhớ nói chủ nhà đăng kí tạm trú, vì nếu có chuyện gì xảy ra, công an khu vực mới giải quyết cho các bạn được.

Trước khi quyết định thuê, các bạn nên  hỏi những người đang thuê phòng ở đấy, người dân sống xung quanh, hoặc tổ trưởng Khu phố để tìm hiểu xem chủ nhà là người như thế nào.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20150325/chieu-lua-cho-sinh-vien-thue-nha-tro/725219.html

Theo Minh Phượng - Tuyết Mai/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm