5 năm trước, salon tóc rộng 30 m2 của anh Bình Thanh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội được coi là có quy mô lớn, cao cấp. Khi đó, giá một gói cắt, gội, nhuộm, hấp là 2,5-3,5 triệu đồng - mức tương đối cao lúc đó.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các tiệm tóc lớn nhỏ, salon cao cấp mọc lên nhiều. Salon của anh Thanh giờ được coi có quy mô chỉ tương đương với tiệm cỡ vừa. Phải cạnh tranh với các hàng khác nên anh chỉ điều chỉnh giá dịch vụ nhỉnh hơn trước không đáng kể. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu, chi phí thuê mặt bằng ngày một đắt đỏ, nguồn vốn eo hẹp, cơ sở vật chất của tiệm tóc không được đầu tư. Lượng khách quen vẫn duy trì nhưng người mới không tăng lên.
Anh Thanh có kinh nghiệm làm và dạy ở trung tâm làm tóc hơn 10 năm, nhưng điều này dường như không còn là lực hút với khách hàng. Anh lý giải: "Nghề làm tóc có đặc thù riêng. Ngoài tay nghề giỏi, quan hệ rộng thì 80% salon đó thành công phụ thuộc vào nguồn vốn".
Các chủ salon phải nghĩ ra nhiều các chiêu trò để thu hút khách hàng trong thời buổi cạnh tranh. Ảnh minh họa: Thiên Minh. |
Theo anh, tâm lý chung của khách hàng là thích những salon có cơ sở vật chất đẹp, sang trọng và thu hút được nhiều like, share trên mạng xã hội. Cũng vì thế, nhiều người làm tóc giỏi, nhưng không bắt kịp xu hướng, thì chỉ dừng lại ở một salon nhỏ.
Anh Phương (32 tuổi), từng làm nhân viên trang điểm thuê cho một tiệm cưới, sau chuyển sang học nghề cắt tóc, làm móng được 5 năm. Hiện anh là chủ 2 salon tóc 3 tầng ở trung tâm Hà Nội với 20-25 nhân viên.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh cho biết, trong thời buổi khó khăn, muốn phát triển nghề, người chủ phải có nhiều chiêu trò. Ngoài cập nhật các xu hướng mới thì cần đầu tư cho các chương trình khuyến mại, quảng cáo.
"Khi có một tiệm tóc nhỏ ở Mỹ Đình, tôi mất 3 năm làm chương trình khuyến mại. Mỗi tháng trong năm là một dịp đặc biệt để tri ân khách hàng. Những chương trình khuyến mại như khai xuân, tháng 'ăn chơi', 8/3, cá tháng tư, chào năm học mới, tháng cô hồn... khách hàng đều được làm tóc giảm giá. Chi phí ngốn gần hết số tiền tôi thu về mỗi tháng", anh kể.
Tuy nhiên, anh tính toán, làm một đầu, dù giảm giá 50%, chủ không bao giờ bị lỗ. Bởi theo anh, giá trị thực mà khách hàng được hưởng trực tiếp chỉ là 1/10 so với số tiền họ phải trả. Phần còn lại, chủ salon phải chi trả thuê nhân công, mặt bằng, truyền thông... Vì vậy, nếu chăm làm chương trình khuyến mại, dù số tiền khi đó nhận được gần như bằng 0 hoặc rất ít nhưng giá trị về sau này của nó rất lớn.
"Ai cũng hiểu điều đó nhưng ít người kiên trì trong vài năm. Nhiều người tính toán không kỹ lưỡng có khả năng âm vốn. Vì vậy, những người không chịu cho đi, sẽ khó mà nhận lại", anh Phương tâm sự.
Theo chị Phương Nhung, chủ một salon tóc cao cấp ở Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), giá trị của mỗi gói làm đầu chỉ phụ thuộc phần ít vào thuốc, hóa chất. Phần nhiều chi phí là ở chiếc ghế khách ngồi, gương, cái cúi đầu chào của nhân viên..., đặc biệt là tiếng tăm của thợ.
"Đào tạo một thợ giỏi thì dễ, nhưng giữ chân họ là việc rất khó. Sau khi lành nghề, tích lũy đủ vốn, hầu hết học trò muốn ra kinh doanh riêng. Vì thế gần đây, nhiều chủ đầu tư tạo điều kiện cho nhân viên góp cổ phần. Song, để phân chia hơn thiệt, tránh rủi ro, chủ salon cũng phải thức trắng đêm để suy tính", chị Nhung cho hay.