Theo đó, nhiều trang, nhóm Facebook chia sẻ thông tin việc khi nhận tiền chuyển khoản từ không rõ nguồn gốc, người dùng có nguy cơ rơi vào bẫy tín dụng đen.
"Chủ Nhật vừa rồi tài khoản ngân hàng của mình tự nhiên nhận được khoản tiền trị giá 36 triệu đồng với nội dung 'cô Hiền mượn'. Truy tìm mãi không biết ai gửi tiền thì có một phụ nữ gọi điện thoại nói là chuyển nhầm và xin lại. Tiền chuyển nhầm thì đương nhiên phải trả lại rồi", trích nội dung bài đăng.
bài cảnh báo lừa đảo được chia sẻ rầm rộ trên Facebook chứa nội dung chưa được xác thực. |
Nhân vật trong bài viết sau đó đã yêu cầu người gửi chứng minh là chủ tài khoản. Tuy vậy, người gửi nhầm đã "ấp úng" và không phản hồi.
"Biết là có gì đó không ổn nên mình ra ngân hàng yêu cầu in sổ phụ và xem tiền của ai chuyển thì được biết đó là của một người đàn ông và chuyển từ V****** với nội dung là cho Hiền vay trong thời hạn 45 ngày. Nếu mình hấp tấp trả tiền cho người phụ nữ kia thì sau đó hết thời hạn 45 ngày. Chủ tài khoản tên Lương Thanh văn sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 36 triệu đồng cùng tiền lãi cắt cổ. Nếu bạn không trả thì sẽ cho xã hội đen tới quấy phá vì có bằng chứng chuyển tiền với nội dung cho vay trên điện thoại", nội dung bài đăng khẳng định đây là hình thức lừa đảo "cao tay".
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty luật Phan Law, thông tin trên có nhiều điểm mâu thuẫn, vô căn cứ. Cụ thể, hợp đồng hay bất cứ giao dịch nào cũng phải có sự đồng thuận 2 bên.
"Không thể dựa vào ý chí suy diễn của một bên mà hình thành giao dịch. Vì vậy không có chuyện cho vay nặng lãi ở đây", luật sư Phan Vũ Tuấn khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho biết lệnh chuyển nhầm tiền là thủ tục ngân hàng phải được giải quyết thông qua ngân hàng. "Nên tuyệt đối không sử dụng tiền mặt để giải quyết các sai sót tương tự trường hợp trên", đại diện Phan Law nói thêm.
Ngoài ra, luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng nếu gọi đây là lừa đảo thì rõ là nó không tinh vi. Cụ thể, cho vay nặng lãi thông qua ngân hàng, có bằng chứng lưu lại sẽ bị khởi tố hình sự. Đồng thời, người cho vay không có hợp đồng, khả năng người bị hại tin vào câu chuyện hoang đường như vậy rất thấp và mắc bẫy chiêu lừa này còn thấp hơn.
Tuy không có căn cứ nhưng nội dung trên vẫn đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tất cả bài đăng đều dẫn nguồn từ tài khoản Facebook "Hien Nguyen". Một số bài viết đã đạt hàng chục nghìn tương tác, chia sẻ và bình luận.
Không ít người cho rằng đây chỉ là hoang tin, mục đích để tăng tương tác. "Lừa đâu mà đơn giản thế. Chuyển tiền xong rồi làm sao họ biết số điện thoại của mình mà gọi xin lại. Không lẽ ngân hàng công khai thông tin khách?", tài khoản Facebook Toan Nguyen đặt nghi vấn.
Đây không phải lần đầu những thông tin chưa xác thực được đem ra làm "mồi câu view" của người dùng trên mạng xã hội Facebook.
Trước đó nhiều tin đồn liên quan đến dịch Covid-19 như đeo khẩu trang ngược, tự chữa bệnh tại nhà hay sư tử đi dạo trong thành phố khi giãn cách xã hội cũng được người dùng mạng xã hội tại Việt Nam lan truyền.
"Người dùng khi chia sẻ những thông tin như vậy đã vô tình tăng tương tác cho một số tài khoản, trang, nhóm Facebook. Những nhóm này sống nhờ tương tác. Khi tương tác cao, trang, nhóm sẽ được sử dụng cho mục đích bán hàng", Thanh Trang, quản trị viên của nhiều trang Facebook tại TP.HCM cho biết.