Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiêu chữa bệnh quái dị của 'cậu Năm' hột gà

Không có bằng cấp chứng chỉ, cũng chẳng hề được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng “cậu Năm” vẫn nhận chữa bá bệnh bằng chiêu cho lăn trứng gà nóng và... đeo tượng.

Bệnh nan y cũng trị được?

Sáng 2/8/2014, chúng tôi đến nhà “cậu Năm” hột gà tại thôn Tân Hạnh (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) để tìm hiểu cách chữa bệnh có một không hai. Lúc này trong nhà đã có gần chục người ngồi chờ trị bệnh, mùi khói nhang nghi ngút. Chúng tôi đang lóng ngóng thì một người đàn ông tên Tâm (thường gọi là “cậu Năm”), ngoài 30 tuổi, dáng gầy gò, nước da bủng, quần áo màu lam nhà chùa ra hỏi: “Anh chị đến đây có việc gì?”. Tôi nói: “Nghe tiếng “cậu Năm” trị được nhiều bệnh nan y, nên tìm đến nhờ cậu xem thế nào”. Ông Tâm tiếp tục “trắc nghiệm” thêm về chuyện “ở đâu, làm gì, ai giới thiệu, đã tới đây chữa lần nào chưa?” và bảo chúng tôi vào trong nhà.

Nghe chúng tôi khai: “Bị đau lưng, đau đầu, khó thở, đêm ngủ không ngon”, cậu cầm tay ra vẻ bắt mạch và gật gật: “Qua lăn trứng đi”. Chúng tôi nói: “Có cần khám gì thêm nữa không?”, cậu khăng khăng: “Cứ vào lăn trứng trước đã, lát quay lại thầy kiểm tra”. Dứt lời, cậu bốc cho chúng tôi hai tờ giấy màu vàng to cỡ hai ngón tay ghi số thứ tự và một ít ký tự nguệch ngoặc trông như chữ “Tàu”.

Trong lúc chờ lăn trứng, chúng tôi được một cặp vợ chồng tên Hồng, Khoa (khoảng 35 tuổi, quê ở tỉnh Bình Thuận) đang ngồi chờ luộc trứng chín kể: “Tụi tui lấy nhau được năm năm nay nhưng không sinh được con. Nghe đồn “cậu Năm” chữa được bá bệnh, vợ chồng tui tìm đến đây nhờ cậu lăn trứng xem sao. Hôm trước lăn xong, lúc chẻ đôi quả trứng ra thì mấy cô lăn trứng nói bên trong có dúm tóc. cậu bảo tui bị chơi bùa ngải và có vong theo. Lần mới đây tui đến lăn trứng, lúc bổ trứng ra mấy cô nói bên trong có cây đinh và cho biết tui bị trúng tà. Sợ quá nên lần này đến nhờ cậu giải bùa, trị bệnh”. 

“Cậu Năm” (bên trái) cho biết: “Muốn lành bệnh thì phải lăn trứng, đeo tượng để đuổi vong”.
“Cậu Năm” (bên trái) cho biết: “Muốn lành bệnh thì phải lăn trứng, đeo tượng để đuổi vong”.

Vợ chồng chị Hồng vào, chúng tôi được một phụ nữ tên Thúy, khoảng 55 tuổi hành nghề bói toán sáp lại quảng cáo: “Trước đây, việc khám chữa bệnh bằng cách lăn trứng gà do “cô Năm” đảm nhiệm. Khi “cô Năm” mất đi, “cậu Năm” là đệ tử chân truyền của cô nên được cô truyền nhiều bí kíp chữa bệnh hay lắm. Từ những bệnh thông thường như đau đầu, đau bụng, nhức mỏi chân tay đến các chứng bệnh nan y như ung thư, vô sinh... đều được cậu chữa khỏi”. Một người đàn ông trạc 50 tuổi, đầu hói ngồi bên cạnh bà Thúy “đế” thêm: “Nhiều người mắc các căn bệnh hiểm nghèo bị các bệnh viện chê, nhưng khi tìm đến đây nhờ cậu lăn trứng đã khỏi bệnh rồi đó”.

Cần xử lý dứt điểm

Khi vợ chồng chị Hồng quay ra, chúng tôi được gọi vào chữa bệnh. Căn phòng lăn trứng rộng khoảng 10m2 khá luộm thuộm, có bốn người phụ nữ luống tuổi, mặt trát nhiều son phấn và xăm lông mày bén ngót. Dưới nền nhà để bề bộn xoong nồi, xô chậu và một rổ trứng gà hơn chục cái. Mùi trứng tanh tưởi quyện với mùi ẩm mốc của căn phòng làm chúng tôi khó chịu.

Phải được “cậu Năm” bốc số, con bệnh mới được lăn trứng.
Phải được “cậu Năm” bốc số, con bệnh mới được lăn trứng.


Một phụ nữ lớn tuổi ngồi bảo: “Cởi áo ra, ngồi quay lưng lại để lăn trứng”. Ba người còn lại tiếp tục rửa, luộc trứng để lăn cho các bệnh nhân khác. Người phụ nữ cầm hai quả trứng nóng lăn qua lăn lại trên người chúng tôi, khoảng vài phút thì chuyển quả trứng sang cho người phụ nữ nhỏ tuổi nhất để chẻ trứng.

Chìa quả trứng bên trong không có gì, người này phán: “Chú không có vong nào theo”, rồi bảo chúng tôi mỗi người nộp 40 nghìn đồng. Tiếp theo một phụ nữ tên Thúy vào lăn trứng. Sau một hồi, họ phán bà Thúy có tới sáu vong theo, sắp tới phải thường xuyên đến đây “tái khám”.

Chúng tôi quay lại chỗ ông Tâm bảo: “Con bị bệnh nặng, đã đi chữa trị nhiều bệnh viện rồi nhưng không khỏi, mong cậu khám kỹ”. Cậu cầm tay bắt mạch và nói: “Bây giờ muốn khỏi hẳn phải mua chiếc dây đã được cậu làm phép sẵn, đeo vào để đuổi vong. Dây vàng giá 1,7 triệu đồng, dây bạc giá 300 ngàn đồng; nếu không thì uống thuốc, mỗi thang giá 100 ngàn đồng”. Dứt lời, ông Tâm lấy trong chiếc hộp ra hai bức tượng màu đen to cỡ ngón tay cái, xung quanh có bọc một ít bạc, vàng khuyên: “Mua dây vàng sẽ tốt hơn”. Lấy lý do không mang đủ tiền, chúng tôi từ chối mua.

Người dân sống trong khu vực này cho biết: đa số những người đến đây chữa bệnh đều từ các tỉnh khác, còn người địa phương chẳng dại tìm đến nhà ông Tâm để chữa bệnh. Mấy tháng trước, ông Lê Văn Khương, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ nói “sẽ xử lý dứt điểm” cách chữa bệnh phản khoa học của ông Tâm, nhưng không hiểu sao ông ta vẫn hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Chuẩn, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Mỹ cho biết: “Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu ông Tâm không được hoạt động. Tuần rồi, công an thị trấn đã mời ông Tâm lên làm việc, ông Tâm cam kết không chữa bệnh nữa. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu có tái phạm sẽ xử lý”.

http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&p=&id=523213

Theo Hải Văn/Công An TP.HCM

Bạn có thể quan tâm