Quần đảo Faroe gồm 18 hòn đảo nhỏ, nằm giữa Iceland và Na Uy là nơi không được nhiều người biết tới. Lãnh thổ tự trị này của Đan Mạch có số lượng cá nóc phong phú, những chuyến săn cá voi thường xuyên và ngành công nghiệp khai thác cá hồi phát triển mạnh.
Công nghệ không phải là một chủ đề được 50.000 cư dân ở đây quan tâm. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, quần đảo Faroe bất ngờ trở thành chiến trường mới trong cuộc xung đột về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Quần đảo Faroe có số cừu còn đông hơn dân số ở đây. Ảnh: New York Times. |
Faroe muốn xây dựng hệ thống mạng thế hệ thứ năm, hay 5G. Quần đảo có ý định giao công việc xây dựng hệ thống này cho một nhà cung cấp công nghệ.
Đó cũng là lúc Mỹ bắt đầu kêu gọi quần đảo này không ký hợp đồng với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Từ lâu, các quan chức Mỹ đã nói rằng Huawei bị Bắc Kinh thao túng và có thể gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia.
Ngay lập tức, các quan chức Trung Quốc đã can thiệp. Một quan chức cao cấp của Quần đảo Faroe nói rằng Trung Quốc đã đề nghị thúc đẩy thương mại giữa quần đảo và nền kinh tế số 2 thế giới nếu Huawei nhận được hợp đồng xây lắp mạng 5G.
Quần đảo Faroe có vị trị gần Bắc Cực. Điều này mang lại cho nó vị trí quân sự quan trọng. Giờ đây, lãnh thổ này cùng với các quốc gia trên khắp châu Âu đang bị kẹt giữa hai siêu cường về vấn đề Huawei.
Áp lực từ hai phía
Hơn một năm qua, các quan chức Mỹ đã gây áp lực lên Anh, Đức, Ba Lan và các nước khác để ngăn Huawei lắp đặt các mạng 5G mới. Họ nói rằng công nghệ của Huawei có thể được Trung Quốc sử dụng để do thám hoặc phá hoại các mạng lưới quan trọng. Huawei một mực phủ nhận việc công ty này giúp Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Âu đứng về phía Washington có nguy cơ đối mặt tổn hại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Lợi ích với các nước này là không nhỏ khi Trung Quốc đang nhập khẩu ngày càng nhiều xe hơi Đức, máy bay Pháp và dược phẩm của Anh.
Đảo Koltur thuộc Quần đảo Faroe, nơi có những vách đá dựng đứng trên mặt nước. Ảnh: New York Times. |
Thủ tướng của Quần đảo Faroe, ông Bardur Nielsen, đã cố gắng xoa dịu cuộc xung đột này. Ông tuyên bố rằng chính phủ của ông không bị áp lực hoặc đe dọa bởi các nước ngoài trong việc phát triển mạng 5G ở đây.
“Quyết định về việc ký hợp đồng với Huawei sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào công ty viễn thông địa phương, Foroya Tele”, Thủ tướng Nielsen nói.
Foroya Tele cho biết họ đang thử nghiệm các công nghệ khác nhau. Công ty tuyên bố việc lựa chọn nhà cung cấp mạng 5G phải được cân nhắc kỹ vì quy mô và tầm quan trọng nó đối với Quần đảo Faroe.
Cá hồi là mối quan tâm lớn nhất
Đối với người dân Quần đảo Faroe, vấn đề của Huawei và mạng 5G liên quan đến cá hồi nhiều hơn là tốc độ tải xuống của mạng.
Cá hồi đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quần đảo. Hơn 90% hàng xuất khẩu của Quần đảo Faroe là các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích và cá tuyết. Ở xung quanh quần đảo, hàng nghìn con cá hồi quẫy nước tung tóe bên trong những chiếc lưới lớn. Chúng được nhân giống để xuất khẩu đến Paris, Moscow, New York và Bắc Kinh.
Một con cá hồi vừa được bắt ra khỏi lưới ở Quần đảo Faroe. Ảnh: New York Times |
Sau năm 2010, lượng cá hồi xuất khẩu sang Trung Quốc của quần đảo đã tăng. Vào thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc giảm việc mua cá từ Na Uy để phản ứng việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lưu Hiểu Ba ở Oslo.
7% doanh số bán cá hồi của Quần đảo Faroe đến từ Trung Quốc. Chính phủ Faroe năm nay cũng đã mở một văn phòng tại Bắc Kinh để thuận lợi cho việc mở rộng thương mại, New York Times cho biết.
Kim ngạch xuất khẩu cá hồi của Quần đảo Faroe dự kiến sẽ vượt qua 550 triệu USD trong năm nay, cách xa mức 190 triệu USD của một thập kỷ trước.
Tuy nhiên, việc kinh doanh cá hồi đã bị vướng vào cuộc chiến về mạng 5G.
Cá hồi đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quần đảo. Ảnh: New York Times |
Tháng trước, đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Carla Sands đã công khai đưa ra cảnh báo cho việc hợp tác với Huawei. Trên một tờ báo của Quần đảo Faroe, bà Sands nói sẽ có “hậu quả nguy hiểm” nếu Huawei được lắp đặt mạng 5G.
Trong một cuộc phỏng vấn khác với truyền thông Đan Mạch tuần này, bà Sands đã cáo buộc một giám đốc điều hành Huawei chịu trách nhiệm khu vực Bắc Âu làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
Cùng lúc đó, đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch đã đến thăm Quần đảo Faroe ít nhất hai lần trong hai tháng qua.
Tờ báo Đan Mạch Berlingske đã đăng bản chép lại của một bản ghi âm mà quan chức cấp cao của Quần đảo Faroe Herálvur Joensen đang tóm tắt một cuộc họp. Ông Joensen đã nói rằng đại sứ Trung Quốc đe dọa sẽ chặn một thỏa thuận thương mại và ngưng việc nhập khẩu thêm cá nếu Huawei không được chọn lắp mạng 5G.
“Nếu Foroya Tele ký thỏa thuận với Huawei, chúng ta sẽ được tạo điều kiện cho một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc”, ông nói trong bản ghi âm. “Nếu điều này không xảy ra, sẽ không có một hiệp định thương mại”.
Tuy nhiên, người phát ngôn của thủ tướng Quần đảo Faroe cho biết ông Joensen đã không tham dự cuộc họp với đại sứ Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc Feng Tie đã viết trên tờ Berlingske rằng nước này không gây áp lực cho Quần đảo Faroe. “Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo rằng Huawei được đối xử công bằng và không bị phân biệt đối xử ở Đan Mạch. Văn hóa của Trung Quốc không có việc đe dọa người khác. Điều này giống những gì Mỹ thường làm hơn”, ông Tie viết.
Huawei tuyên bố rằng công ty không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai chính phủ.
"Tiến thoái lưỡng nan"
Tại các ngôi làng và bến cảng xung quanh các hòn đảo, người dân đang hoang mang về việc bị đẩy vào một trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ.
Ông Rógvi Olavson, sống ở Torshavn và là giảng viên của trường đại học địa phương nói: “Chúng tôi đang ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Nhiều người dân cho biết Quần đảo Faroe nghiêng về Mỹ hơn là Trung Quốc. Tuy nhiên, một số người bày tỏ sự tức giận với các quan chức Mỹ vì đã gây áp lực nhằm để ngăn Huawei. Họ cho biết Huawei đã lắp đặt mạng 4G hiện có trên đảo và họ hài lòng với chúng.
Công nhân tại một nhà máy chế biến cá và chăn nuôi cá trên đảo Streymoy của Faroe. Ảnh: New York Times |
Những người khác lo ngại về việc tổn hại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nếu Huawei không được chọn lắp mạng 5G. Nhiều người dân địa phương vẫn còn nhớ về cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990 khiến 10% cư dân Faroe phải chuyển ra nước ngoài sinh sống.
Ngày nay, tỉ lệ thất nghiệp trên các đảo gần như bằng không. Chỉ có 183 người không có việc làm từ ngày 20/12, theo thống kê của chính phủ. Giống như các quốc gia Bắc Âu khác, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác ở Quần đảo Faroe hoàn toàn miễn phí. Hầu như không có tội phạm trên đảo.
“Trung Quốc không chỉ là một khách hàng tốt, đó là một khách hàng cần thiết” ông Martin Breum, một chuyên gia đã viết về Quần đảo Faroe nói. “Người dân Faroe không có gì để bán cho các quốc gia khác ngoài cá”.