Chiến tranh Trung - Nhật sắp bùng nổ?
Căng thẳng Trung - Nhật liên quan đến tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư lên đến đỉnh điểm, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á.
Căng thẳng leo thang
Căng thẳng song phương đã lên đến mức nguy hiểm hồi tháng trước, khi ngày13/12/2012, Tokyo đã phải huy động 8 máy bay phản lực F-15 để xua đuổi máy bay Trung Quốc thâm nhập vùng trời của quần đảo Senkaku. Đây là lần đầu tiên máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng trời Nhật Bản kể từ năm 1958. Ngay sau đó, ngày 5/1, Nhật Bản cũng phải triển khai các máy bay chiến đấu để chặn một máy bay của Trung Quốc đang tiến về phía gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Căng thẳng đã bị đẩy lên một bước khi Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết ngày 8/1 triệu Đại sứ Trung Quốc tới để “phản đối kịch liệt” vụ các tàu của Chính phủ Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo triệu đại sứ của Trung Quốc tới để phản đối về vụ việc nói trên.
Giới phân tích nhận định, việc Bắc Kinh tiếp tục thử thách giới hạn của Nhật Bản là một trò chơi nguy hiểm, vì nó không chỉ thử thách ý chí của người dân xứ Phù Tang mà cả Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Theo hiệp ước này, Washington có trách nhiệm bảo vệ không chỉ lãnh thổ của Nhật Bản mà cả những vùng đất “thuộc quyền quản lý” của Tokyo nếu bị bên thứ 3 tiến công.
Trung - Nhật gần đây thường xuyên va chạm trên khu vực biển tranh chấp. |
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến Nhật Bản vô cùng quan ngại. Giờ đây, Trung Quốc đã chính thức “qua mặt” Nhật Bản chiếm giữ ngôi vị số 2 của nền kinh tế thế giới. Đi liền với đó là những tham vọng mở rộng ảnh hưởng không chỉ trong khu vực mà ra toàn thế giới của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, Nhật Bản đã chứng kiến một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và quyết liệt. Bắc Kinh liên tiếp dùng tàu chiến, tàu bán quân sự, tàu quân sự trá hình, tàu dân sự và cả máy bay “uy hiếp” Nhật Bản. Chưa hết, giới quan chức ở Bắc Kinh cũng không ngần ngại đưa ra những lời cảnh báo về khả năng chiến tranh với Nhật Bản, trong đó những tướng có quan điểm diều hâu như La Viện là điển hình. Trong tình thế như vậy, Tokyo không thể không lo ngại, và đây là một trong những lý do căn bản khiến nước này phải tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Nhật Bản tăng cường tiềm lực quốc phòng
Giới phân tích nhận định, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giành chiến thắng trước Đảng Dân chủ (DPJ) trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua đã phần nào thể hiện mong muốn của người dân xứ Phù Tang, theo đó chính quyền cần có những hành đồng quyết liệt hơn với Trung Quốc, không thể nhân nhượng Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Và Thủ tướng Abe, người luôn có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn đề này đã được cử tri Nhật “chọn mặt gửi vàng”.
Nhằm cụ thể hóa các cam kết của mình, LDP vừa đề nghị tăng ngân sách quốc phòng trong năm tài khóa 2013 bắt đầu từ ngày 1/4 sắp tới thêm khoảng 100 tỷ yen (tương đương 1,1 tỷ USD) so với mức 4.710 tỷ yen mà Đảng DPJ từng đề nghị trước đó. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được tăng lên nhằm củng cố quyền lực cứng của quốc đảo này.
Trong nhiệm kỳ trước đó, năm 2007, cũng chính Thủ tướng Shinzo Abe đã bổ nhiệm người đứng đầu Cục Phòng vệ Nhật Bản là ông Fumio Kyuma lên làm bộ trưởng Quốc phòng. Việc nâng cấp từ Cục Phòng vệ lên thành bộ Quốc phòng là sự thay đổi lớn nhất trong hệ thống an ninh quốc gia của Nhật Bản kể từ khi Cục Phòng vệ và Lực lượng phòng vệ (SDF) được thành lập năm 1954. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ khi Nhật Bản bị tước quyền thành lập quân đội sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ II, bộ Quốc phòng nước này được đưa vào hoạt động một cách đầy đủ.
Sự ra đời của bộ Quốc phòng được nội các Thủ tướng Shinzo Abe khi đó kỳ vọng sẽ giúp nâng cao vị thế của quân đội cũng như SDF (SDF là một bộ phận của bộ Quốc phòng) trong Chính phủ Nhật Bản, nhất là với việc tác động thông qua ngân sách và các quyết sách chiến lược. Điều quan trọng hơn, việc thành lập bộ Quốc phòng còn là cơ sở để quân đội Nhật Bản có thể đóng vai trò lớn hơn trong trường hợp đối mặt với những thách thức và đe dọa an ninh từ bên ngoài.
Chiến tranh bùng nổ?
Những diễn biến căng thằng trong quan hệ Trung - Nhật khiến cộng đồng quốc tế không thể không quan ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn, thậm chí là một cuộc chiến tranh giữa hai siêu cường châu Á. Chiến tranh có thể nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật trong năm 2013 nếu tranh cãi kéo dài, Giáo sư Hugh White, chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia nhận định trên tờ Sydney Morning Herald.
Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia khác lại bác bỏ lập luận này, cho rằng, đây chỉ là các hành động “diễu võ dương oai” của hai phía mà thôi. Bởi trên thực tế, Trung Quốc và Nhật Bản có những mối quan hệ cộng sinh, không thể tách rời, đặc biệt là về kinh tế. Hơn nữa, Mỹ cũng là “nhân tố” quan trọng khiến chiến tranh là điều “không thể”. Trên lý thuyết, Nhật Bản là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á, giúp Mỹ duy trì hiện diện cường quốc tại khu vực này, đồng thời là cánh tay phải đắc lực giúp Washington “kiềm chế” Bắc Kinh. Hơn nữa, theo Hiệp định An ninh Mỹ - Nhật, điều này sẽ khó có thể xảy ra, bởi khi đó Washington sẽ phải gánh vác trách nhiệm. Ngược lại, Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất, là đối tác cộng sinh không thể tách rời của Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ đang được cho là bị “kẹt”, giữa một bên là “tình cũ” và một bên là “tình mới”, không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh nước nào.
Về phần Trung Quốc, nhiều học giả cho rằng, các động thái gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trên biển Hoa Đông chỉ là “hàn thử biểu” để đo phản ứng của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ triển khai chiến lược quay lại châu Á mà thôi. Bởi Bắc Kinh biết rằng, nếu xung đột nổ ra, chưa chắc mình đã là người giành chiến thắng, bởi nói gì thì nói, Nhật Bản vẫn là một cường quốc rất mạnh về quân sự, vũ khí vô cùng tối tân, hiện đại.
Hơn nữa, nếu chiến tranh xảy ra, Tokyo sẽ có chỗ dựa vững chắc là Mỹ, và đây không phải “miếng bánh” dễ nuốt với Bắc Kinh trong thời điểm hiện nay. Hơn nữa, nội bộ Trung Quốc vẫn có nhiều vấn đề phải giải quyết, từ chống tham nhũng đến các vấn đề an sinh xã hội. Chính vì vậy, dù rất căng thẳng, nhưng mâu thuẫn Nhật – Trung vẫn nằm trong tầm kiểm soát, và chiến tranh là điều rất khó xảy ra, có chăng chỉ là một cuộc xung đột chóng vánh, không gây nhiều tổn thất mà thôi.
Thanh Hương
Theo Infonet