Lệnh áp thuế của chính phủ Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào lúc 11h00 ngày 24/9. Đáp trả, Bắc Kinh tiếp tục tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trước đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp thuế “ăn miếng trả miếng” lên 50 tỷ USD hàng hóa của nước còn lại.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong Nhà Trắng tuần qua cho biết chính phủ Mỹ muốn tiếp tục trao đổi với Trung Quốc một cách tích cực. Tuy nhiên, chưa nước nào phát đi tín hiệu sẵn sàng nhượng bộ và thỏa hiệp.
Các chỉ số tại sàn chứng khoán Hong Kong trong phiên giao dịch ngày 24/9 giảm mạnh vì đợt áp thuế mới của Mỹ lên Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Ngày 21/9, một quan chức Mỹ cho biết hai nước vẫn chưa ấn định được ngày diễn ra vòng đàm phán thương mại kế tiếp. Trong khi đó, Wall Street Journal và South China Morning Post tiết lộ Bắc Kinh đã hủy chuyến đi của Phó thủ tướng Lưu Hạc và đoàn đàm phán thương mại đến Washington tuần này.
Tổng thống Donald Trump ngày 22/9 đã cảnh báo sẵn sàng áp đặt thêm thuế nhập khẩu từ Trung Quốc. Khoảng 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bị đánh thuế 25% trước cuối năm nay. Trước đó, ông Trump từng đe dọa sẽ áp thuế lên gần như mọi mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Theo chuyên gia kinh tế Rob Carnell, Bắc Kinh sẽ hoãn các nỗ lực đàm phán để không tỏ ra yếu thế trước Mỹ và duy trì niềm tin trong nước. Ông cho rằng Trung Quốc vẫn còn đủ nguồn lực để ngăn các lệnh áp thuế tác động lên tăng trưởng kinh tế.
Với tổng lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ thấp hơn, Trung Quốc không thể so kè từng USD trong cuộc đua áp thuế hàng hóa.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn còn nhiều biện pháp khác để trả đũa như cấm xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng sang Mỹ hoặc gây khó dễ cho các công ty Mỹ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của không chỉ 2 cường quốc mà cả nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chịu tác động.
Căng thẳng thương mại phủ bóng lên toàn thể mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn còn nhiều vấn đề bất đồng khác cần tìm kiếm giải pháp.
Mỹ vừa ra lệnh trừng phạt nhắm vào Cục Phát triển Thiết bị (EDD) của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và giám đốc cơ quan này. Washington cho rằng EDD vi phạm các lệnh trừng phạt nhắm vào doanh nghiệp Nga khi mua Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400. Đáp trả, chính phủ Trung Quốc cho triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và hủy chuyến đi của đoàn quan chức quốc phòng sang Mỹ dự đối thoại hải quân.