South China Morning Post ngày 22/9 dẫn nguồn thạo tin cho biết phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, ban đầu dự kiến sẽ sang Mỹ làm việc trong 2 ngày 24, 25/9.
Tuy nhiên, kế hoạch nhanh chóng bị hủy sau khi Mỹ ra lệnh trừng phạt quan chức và cơ quan quốc phòng Trung Quốc vì mua tên lửa, máy bay chiến đấu từ Nga.
Nhiều người đã dự đoán trước về nguy cơ đổ vỡ của vòng đàm phán thứ 4 giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ không thể hiện rõ “thiện chí” tìm kiếm một giải pháp cho xung đột.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: AFP. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/9 tái khẳng định lập trường rằng tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau là yếu tố tiên quyết để tìm kiếm một giải pháp cho chiến tranh thương mại.
“Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đối thoại và đàm phán nên được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, trung thực và tôn trọng lẫn nhau. Đây là cách duy nhất phù hợp để giải quyết mâu thuẫn kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, người phát ngôn Cảnh Sảng trả lời tại buổi họp báo định kỳ, khi được hỏi liệu ông Lưu có kế hoạch sang Trung Quốc hay không.
“Tất cả những động thái của Mỹ chưa thể hiện được sự chân thành và thiện chí. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ tìm cách sửa sai”, ông Cảnh cho biết.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện gặp gỡ cử tri Mỹ tại bang Missouri ngày 21.9, Tổng thống Donald Trump tự tin khẳng định nền kinh tế Mỹ “vẫn còn dư đạn” trong cuộc chiến thương mại.
“Nếu họ (Trung Quốc) trả đũa, chúng ta sẽ đáp trả còn mạnh tay hơn nữa. Rồi họ sẽ muốn thương lượng và lúc đó chúng ta sẽ xem xét”, ông nói.
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc được hộ tống bởi 2 chiến đấu cơ Su-35 trong một cuộc diễn tập tuần tra trên eo biển Đài Loan vào tháng 5. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Nhiều chuyên gia Trung Quốc đánh giá tình hình hiện nay “quá nóng” để đàm phán diễn ra hiệu quả.
Hôm 17/9, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo mức thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 24/9 và có thể tăng hơn 2 lần vào năm 2019.
Ngày 20/9, Washington tiếp tục leo thang căng thẳng khi áp lệnh trừng phạt lên Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc và giám đốc cơ quan này là Li Shangfu.
EDD mua chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga hồi tháng 11/2017 và mua thiết bị cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 hồi đầu năm nay. Washington cho rằng EDD vi phạm các lệnh trừng phạt nhắm vào Rosoboronexport, công ty nằm trong danh sách đen vì ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phản đối động thái của Mỹ và cảnh báo sẽ có hậu quả nếu như Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này.