Bị Huawei bỏ xa trong cuộc đua 5G cùng những lo ngại về an ninh, Mỹ và các đồng minh đang tìm mọi cách để hạn chế tầm ảnh hưởng của công ty Trung Quốc.
Năm 2009, nhà mạng Teliasonera của Thụy Điển bắt đầu xây dựng mạng 4G cho một loạt thành phố lớn tại Bắc Âu. Tại thành phố Oslo, Na Uy, Teliasonera lựa chọn công ty cung cấp thiết bị mà nhiều người chưa hề nghe tên: Huawei.
Cũng trong năm đó, Huawei nhận một hợp đồng lớn hơn để xây dựng lại toàn bộ mạng điện thoại của Na Uy, vốn trước đó do Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan phụ trách. Công ty Trung Quốc này hoàn thành dự án trước thời hạn và chi phí còn thấp hơn dự tính.
Theo Foreign Policy, nhiều chuyên gia trong ngành viễn thông nhận định 2009 đánh dấu vị thế mới của Huawei. Kể từ đây, họ không còn là công ty Trung Quốc chỉ biết giành giật thị phần bằng giá rẻ hay công nghệ đi sau nữa. Thế giới lúc này biết đến Huawei như một công ty viễn thông với công nghệ vượt trội, cạnh tranh những đại gia châu Âu như Ericsson hay Nokia ngay trên sân nhà.
Thế nhưng người Mỹ vẫn không mấy quan tâm đến Huawei. Tháng 7/2012, kênh YouTube Huawei Mobile thực hiện một video hỏi nhiều người tại New York cách đọc tên Huawei. Tất cả đều đọc sai. Khi được hỏi Huawei là gì dựa trên biểu tượng, một cô gái đoán đây là cửa hàng bán hoa. Một người khác thì đoán đây là hãng hàng không, hoặc hòn đảo vùng Hawaii.
7 năm sau, Huawei đã trở thành cái tên liên tục được nhắc đến. Người Mỹ có thể hình dung ra việc iPhone họ đang dùng có thể tăng giá khi Trung Quốc “trả đũa” Mỹ về vụ Huawei. Những nhà chính trị của Mỹ nhắc đến Huawei như mối nguy hại an ninh quốc gia.
Tháng 4/2019, trong một sự kiện công bố đấu giá băng tần cho mạng 5G, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:
“Với tốc độ này, năm sau Mỹ sẽ có nhiều dải băng tần 5G nhất trên thế giới. Đó là thông báo trọng đại, bởi, như mọi người biết, có một số người đã vượt chúng ta”.
Mặc dù không nhắc đến tên, có thể hiểu ông Trump đang ám chỉ Huawei, công ty đi đầu về thiết bị 5G trên thế giới. Việc một công ty Mỹ cho là có liên quan chặt chẽ tới chính quyền Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua công nghệ của tương lai khiến cho Mỹ và nhiều đồng minh đau đầu.
5G hay Thế hệ thứ 5 là tên gọi cho thế hệ mạng di động mới nhất. Nói một cách chuẩn xác hơn, đây là tập hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ sẽ điều chỉnh cách hoạt động của một mạng viễn thông, như các tần số vô tuyến, cách xử lý tín hiệu của thiết bị.
Mỗi thế hệ mạng di động sẽ tồn tại và bị thay thế trong khoảng 10 năm. Sau mạng 4G, đã được phổ biến tại hầu hết quốc gia, thế giới đang tiến lên công nghệ 5G. Tuy nhiên bước tiến lên 5G không chỉ là sự nâng cấp định kỳ.
Giống như những thế hệ trước, 5G mang tới sự cải tiến vượt trội về tốc độ kết nối mạng. Về mặt lý thuyết, tốc độ tối đa của mạng 5G sẽ gấp 100 lần 4G. Trong thử nghiệm thực tế của các nhà mạng, tốc độ 5G nhanh hơn khoảng 20 lần so với 4G.
Tuy nhiên, tốc độ không phải thứ quan trọng nhất của mạng 5G. Độ trễ và băng thông của mạng 5G cũng tốt hơn rất nhiều. Với độ trễ thấp, các thiết bị sẽ mất ít thời gian để nhận và phản hồi tín hiệu của nhau. Băng thông lớn hơn giúp nhiều thiết bị kết nối cùng lúc với nhau hơn.
Điều đó mở ra khả năng kết nối dễ dàng, nhanh và rộng hơn hẳn cho hàng tỷ thiết bị trong tương lai. Những thiết bị này, nhờ 5G sẽ xuất hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ kinh doanh, giao thông đến y tế hay giáo dục.
Nói về 5G, ông Cristiano Amon, chủ tịch của Qualcomm chia sẻ:
“Một chương mới của công nghệ đã bắt đầu. Mọi thứ sẽ được kết nối và trở nên thông minh”.
Việc kết nối mọi thứ không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế. Những dự án quốc phòng quan trọng đã được kết nối và sẽ trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công mạng. Không ai muốn chỉ cho đối phương đường vào mạng lưới của mình.
Đầu năm 2018, cục tình báo điện tử của Australia (ASD) thực hiện một thử nghiệm. Nhóm tấn công, được cho truy cập vào mạng lưới thiết bị 5G, phải tìm ra liệu họ có thể làm những gì đối với mạng viễn thông quốc gia.
Kết quả thu được khiến quan chức an ninh và chính phủ Australia choáng váng. Theo Reuters, giám đốc ASD Mike Burgess giải thích rằng mọi cơ sở hạ tầng quan trọng của Australia, từ mạng lưới điện đến hệ thống thoát nước đều có thể bị kiểm soát nếu một vụ tấn công như vậy xảy ra trong thực tế.
“Trong tương lai, chiến tranh sẽ không bắt đầu bằng vũ khí hạt nhân hay đạn dược. Nó bắt đầu bằng cách ngắt kết nối một quốc gia, bằng mạng lưới điện và cả mạng viễn thông”, nhà báo David E. Sanger, cây viết từ New York Times giải thích về vai trò của 5G với an ninh.
Thử nghiệm trên khiến cho các thành viên liên minh tình báo Five Eyes, bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ trở nên cực kỳ cảnh giác với thiết bị 5G mà Huawei cung cấp. Từ năm 2018, ông Trump liên tục nói đến mạng 5G và quyết tâm của Mỹ để dẫn đầu cuộc đua 5G.
“5G là cuộc đua nước Mỹ buộc phải thắng”, ông Trump nói vào tháng 4/2019.
Từ lâu, Mỹ đã liệt kê Huawei và ZTE là những công ty có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Tháng 10/2012, ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ báo cáo Huawei và ZTE mang nguy cơ an ninh, và khuyến cáo các công ty Mỹ cùng chính phủ không hợp tác với 2 công ty Trung Quốc, đồng thời nên ngăn chặn mọi vụ mua bán, sáp nhập từ 2 công ty này.
Tuy nhiên, việc giảm ảnh hưởng của Huawei đã trở nên khó hơn khi thời điểm triển khai 5G đến gần. Công ty Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, với doanh thu hơn 100 tỷ USD trong năm 2018. Họ chiếm gần 1/3 thị trường 4G toàn cầu, và có thể chiếm 1/2 thị trường 5G, theo nhà phân tích Andrew Entwistle của New Street Research.
Một phần nguyên nhân giúp Huawei vượt trội về công nghệ đến từ sự đầu tư của họ. Năm 2018, Huawei chi hơn 15 tỷ USD cho nghiên cứu, theo báo cáo tài chính công bố tháng 4/2019. Khoảng 80.000 nhân viên, tức gần một nửa tổng số nhân viên tại Huawei, làm công việc nghiên cứu.
Sự đầu tư của Huawei thể hiện ở những con số. Theo IPlytics, một công ty cung cấp số liệu về bằng sáng chế, Huawei sở hữu số bằng sáng chế về 5G lớn nhất thế giới, đồng thời đóng góp nhiều nhất về xây dựng tiêu chuẩn 5G. Điều đó có nghĩa khi các công ty muốn triển khai mạng 5G, rất có thể họ sẽ phải trả tiền cho Huawei hoặc dùng một tiêu chuẩn do Huawei đóng góp.
Một lợi thế khác của Huawei là họ tham gia vào cả thị trường thiết bị cho người dùng cuối. Là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới, Huawei có thể triển khai sản phẩm 5G tới người dùng dễ dàng hơn nhiều so với Ericsson hay Nokia.
Nguyên nhân khiến cho 2 công ty Bắc Âu bị Huawei vượt qua còn đến từ sự chủ quan, theo nhà phân tích Dexter Thillien của Fitch Solutions. Với 3G và 4G, Huawei luôn phải đi trả tiền bản quyền để được dùng công nghệ. Ông Thillien cho rằng Ericsson và Nokia đã quan tâm đến lợi nhuận thu được từ bản quyền hơn là đầu tư nghiên cứu công nghệ thế hệ mới.
Những năm gần đây, Huawei đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng công nghệ 5G. Tại các hội nghị viễn thông, kỹ sư Huawei luôn xuất hiện đông đúc, và có thể gây ảnh hưởng tới các xu hướng phát triển. Theo Foreign Policy, Huawei đã đạt được vị thế chưa từng có trong ngành di động.
Khi Huawei phát triển mạnh mẽ, ngành viễn thông Mỹ đã chững lại từ những năm 2000. Những công ty viễn thông của họ như Lucent hay Motorola Solutions đều đã bán ngành kinh doanh thiết bị cho Alcatel và Nokia. Mỹ còn 1 công ty tên tuổi khác là Cisco Systems, nhưng họ chủ yếu bán hạ tầng viễn thông chứ không phải thiết bị như Huawei, Nokia, Ericsson.
Từ vị thế nước dẫn đầu về công nghệ viễn thông, giờ đây khi muốn xây dựng 5G, Mỹ buộc phải phụ thuộc vào những đối tác nước ngoài như Nokia, Ericsson. Đó là sự thật mà chính tổng thống Donald Trump cũng phải thừa nhận.
Dù đã bị “cấm cửa”, Huawei vẫn liên tục khai thác vào “nỗi đau” này để khẳng định mình mới là lựa chọn tốt nhất để Mỹ xây dựng mạng 5G.
Tại MWC 2019, khi nhiều quan chức Mỹ cũng có mặt để thuyết phục các nước không lựa chọn Huawei, chủ tịch luân phiên Guo Ping không quên chê bai công nghệ 5G của Mỹ.
“Tôi thấy tổng thống Mỹ nói trên Twitter rằng nước Mỹ cần mạng 5G, thậm chí là 6G nhanh hơn và thông minh hơn, và ông ấy nhận ra Mỹ đang đi sau trong công nghệ này. Tôi nghĩ thông điệp của ông ấy rõ ràng và chính xác”, ông Guo Ping nói trên sân khấu, phía sau là dòng chữ “Huawei chưa từng và sẽ không bao giờ cài cửa hậu”.
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei cũng tỏ ra tự tin vào công nghệ 5G của công ty này.
“Những nhà chính trị Mỹ đã đánh giá thấp sức mạnh của chúng tôi. Công nghệ 5G của Huawei chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng. Nói về mặt công nghệ, các công ty khác chưa thể bắt kịp Huawei trong vòng 2-3 năm nữa”, ông Nhậm trả lời trong cuộc phỏng vấn của CCTV.
Cựu thủ tướng Malcolm Turnbull của Australia, sau khi thấy nguy cơ khi mạng 5G bị kiểm soát, đã tung khuyến cáo. Mỹ và đồng minh liên tục đưa ra những biện pháp cô lập, tẩy chay thiết bị Huawei trong năm 2018.
Tháng 8/2018, ông Trump ký lệnh cấm các nhà thầu của chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ từ Huawei, ZTE. Cũng trong tháng này, Australia ra lệnh cấm các nhà cung cấp “có sự can thiệp của chính phủ nước ngoài” vào xây dựng mạng lưới 5G, một lệnh cấm nhắm tới Huawei và ZTE.
Tháng 11/2018, New Zealand ra lệnh cấm ngắn hạn với Huawei, không cho phép họ bán thiết bị 5G cho các nhà mạng của nước này. Tháng 12/2018, các nhà mạng lớn của Nhật đồng loạt thông báo không sử dụng thiết bị Trung Quốc để triển khai mạng 5G.
Sang năm 2019, Mỹ lại thể hiện quyết tâm gây ảnh hưởng ở châu Âu về vấn đề Huawei. Tháng 2/2019, Phó tổng thống Mike Pence xuất hiện tại Hội nghị An ninh Munich và lên tiếng cảnh báo.
“Chúng ta phải bảo vệ nền tảng viễn thông tối quan trọng. Chúng tôi không thể đảm bảo an toàn cho phương Tây nếu như những đồng minh của chúng tôi phụ thuộc vào phương Đông.
Mỹ đã nói rất rõ ràng với các đối tác an ninh về mối đe dọa từ Huawei và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc. Mỹ kêu gọi mọi đối tác an ninh cùng thận trọng và từ chối mọi công ty có thể làm ảnh hưởng tới sự vững chắc của công nghệ viễn thông hay hệ thống an ninh quốc gia”, ông Mike Pence nói.
Mặc cho những nỗ lực, thậm chí là đe dọa của Mỹ, nhiều đồng minh không cấm cửa Huawei như họ mong muốn. Tháng 2/2019, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern lại cho rằng “chưa có quyết định cuối cùng” về việc cấm Huawei.
Tháng 4/2019, Anh cho phép Huawei tham gia xây dựng “hạ tầng không phải nòng cốt” của mạng 5G. Chủ tịch Ủy ban Quản lý Viễn thông của Đức thì cho rằng không có mạng viễn thông nào, bao gồm Huawei, nên bị cấm tham gia xây dựng 5G.
Những diễn biến mới của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng làm tình hình thêm căng thẳng. Tháng 5/2019, Tổng thống Trump quyết định thực hiện một nước đi được đánh giá là “bom hạt nhân” với Huawei.
Ngày 15/5, ông Trump ký sắc lệnh đặc biệt, cấm các công ty bị coi là mối đe dọa an ninh bán thiết bị cho Mỹ, đồng thời chặn không cho những công ty này mua thiết bị thiết yếu từ Mỹ. Đây được coi là “vòng kim cô” gắn lên Huawei.
Chỉ trong 1 tuần sau, những tin xấu liên tiếp đến với công ty Trung Quốc. Google, Intel, Qualcomm, Xilinx, Micron đồng loạt lên tiếng ngừng hợp tác với Huawei. Không chỉ có vậy, ARM Holdings, công ty có trụ sở tại Anh cũng thông báo nội bộ về việc đình chỉ kinh doanh với Huawei.
Mất Google, Qualcomm và ARM, Huawei gần như không còn khả năng tiếp tục kinh doanh smartphone. Mặc dù Bộ Thương mại Mỹ đã cấp giấy phép tạm thời cho Huawei tiếp tục kinh doanh với Mỹ thêm 3 tháng, họ rất khó giải quyết bài toán với ARM chỉ trong vài tháng.
Không có các linh kiện bán dẫn từ Mỹ, Huawei cũng khó có thể duy trì mảng kinh doanh thiết bị viễn thông. Ông Ryan Koontz, nhà phân tích tại Rosenblatt Securities phân tích trên Bloomberg:
“Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện bán dẫn của Mỹ và chắc chắn sẽ gặp khó khi không có các linh kiện này. Lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến việc triển khai mạng 5G của Trung Quốc bị chậm lại cho tới khi hết bị cấm, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều nhà cung cấp trên toàn thế giới”.
Hành động này của Mỹ đã bóp nghẹt cả 2 mảng kinh doanh quan trọng nhất của Huawei, đẩy công ty này đến đường cùng. Cây viết Tim Culpan của Bloomberg cho rằng đây là sự bắt đầu của một cuộc chiến tranh lạnh trong ngành công nghệ, khi Trung Quốc phải dồn toàn lực để chạy đua công nghệ với Mỹ.
Tờ Guardian của Anh thì cho rằng đây là một nước đi mà “mọi người đều thiệt hại”.
“Những tranh chấp này không hề liên quan đến công nghệ, mà là để xem ai mới là số 1. Dù Trung Quốc hay Mỹ chiến thắng, cả 2 bên đều thiệt hại, và có lẽ những bên thứ 3 như Anh mới bị thiệt hại nhiều nhất”, bài viết của Guardian nhận định.
Với đòn hiểm dành cho Huawei, Mỹ có thể sẽ vượt qua Trung Quốc rồi trở thành kẻ chiến thắng trong cuộc đua 5G. Tuy nhiên điều đó có thể cũng không khiến cho cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hài lòng về cơ hội mà họ đã bỏ lỡ.
“Nhìn lại thì thật khó tin là những công ty đi đầu về công nghệ không dây – Mỹ, Anh, Đức, Nhật hay công nghệ Wi-Fi như Australia lại có ngày không thể có được một nhà cung cấp 5G hàng đầu để phục vụ các nhà mạng của họ”, ông Turnbull nói vào tháng 3/2019.
Đó cũng là suy nghĩ của ông Thomas J. Lauria, một nhà phân tích về thị trường viễn thông, từng làm việc tại AT&T.
“Thật buồn, với tư cách một người Mỹ, khi nhìn lại thị trường và phải tự đặt ra câu hỏi: điều gì đã xảy ra với ngành công nghiệp viễn thông của chúng ta”, ông Lauria nói với SCMP.