Như Zing đã phân tích về lối chơi của đội tuyển Oman, có thể thấy đây sẽ là đối thủ khó chịu và giàu tính đột biến. Dù vậy, họ cũng có những đặc điểm mà đội tuyển (ĐT) Việt Nam có thể tận dụng để khống chế và khai thác.
Dựa trên những gì ông và các học trò thể hiện trong thời gian dài đã qua, chúng ta đề ra giải pháp chiến thuật cho cuộc đọ sức trên sân Sultan Qaboos.
Tuyển Việt Nam chơi không tồi tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Việt Linh. |
Phòng thủ bằng sơ đồ 5-3-2
Điều đầu tiên có thể dễ dàng dự đoán khi "tập làm thầy Park" là lựa chọn ra mẫu sơ đồ 3 trung vệ. Lấy 3 trung vệ làm chuẩn bởi gần như chắc chắn không có chuyện Việt Nam thay đổi sang hệ thống quá khác biệt, khi thời gian chuẩn bị là không nhiều và suốt những năm qua mẫu sơ đồ này cũng đã mang đến thành công lớn cho Việt Nam.
Sơ đồ 3 trung vệ cũng phù hợp để có thể đương đầu với cặp tiền đạo của đối thủ.
Al Hajri và Al Mandhar thường chơi gần nhau, thường trực trước vòng cấm địa và có khả năng phối hợp đập nhả tốt, thế nên lời dặn dò cần thiết cho các trung vệ sẽ là luôn giữ cự ly gần nhau, không di chuyển rộng ra biên trong các tình huống bị đối thủ xuống cánh - khu vực đó nên được dành cho các hậu vệ biên ở trận này. Cần duy trì lợi thế 3 đấu 2 ấy để thuận lợi hơn trong bọc lót và không chiến khi các quả tạt được đưa vào.
Đây là đề xuất cách vận hành hàng thủ trước Oman để phòng thủ khi bóng lăn tại 1/3 sân nhà.
Tuy nhiên, điểm mạnh chính của đối thủ nằm ở việc tấn công trung lộ, với nhóm 4 tiền vệ trung tâm vị trí hình thoi - kim cương, cùng khả năng xoay xở rất nhanh với bóng.
Dù vậy, đi kèm với đó, bộ tứ vệ của Oman lại tương đối cổ điển, hậu vệ biên ít dâng cao ngay từ khi trung vệ đang triển khai và thường chỉ tìm kiếm các tiền vệ ngay khi có bóng.
Dựa vào đặc điểm trên, các đề xuất để ứng phó là lựa chọn mẫu sơ đồ sao cho số lượng cầu thủ ở trung lộ của tuyển Việt Nam đủ nhiều, chia thành các khu vực gần tương ứng để có thể phụ trách các tiền vệ trung tâm của đối thủ. Cụ thể là lựa chọn giữa sơ đồ 5-3-2 và sơ đồ 5-4-1.
Sơ đồ 5-3-2 có thể sẽ là lựa chọn phù hợp hơn, dựa trên đặc điểm căn bản là sẽ có 3 tiền vệ trung tâm thay vì 2 như sơ đồ 5-4-1. Việc có 2 tiền vệ biên của sơ đồ 5-4-1 cũng là không thực sự quá cần thiết khi phòng ngự. Cấu trúc 3-2 ở tuyến trên sẽ mang tới cho tuyển Việt Nam lợi thế số lượng (5 người đấu với 4 tiền vệ trung tâm của Oman).
Dĩ nhiên, tên sơ đồ chỉ là các con số. Đi kèm với đó là các đề xuất phương pháp vận hành như sau.
Thứ nhất, xác định rõ ràng chúng ta sẽ chỉ bắt đầu gây áp lực khi đối thủ tiến vào 1/3 sân giữa. Trường hợp đối thủ chuyền về, không được hút theo mà phải giữ cự ly giữa 2 tiền đạo và 3 tiền vệ. Nếu đẩy lên cao để áp sát, 2 tiền đạo có thể tách rời khỏi 3 tiền vệ, từ đó khiến sơ đồ trở thành "gậy ông đập lưng ông", số lượng giữa sân khi ấy lại bất lợi cho Việt Nam (3 đấu 4);
Thứ hai, Oman thường bắt đầu lên bóng bằng đường chuyền đơn giản từ trung vệ cho hậu vệ biên cùng bên. Ta có thể tận dụng điều này làm dấu hiệu để bắt đầu gây áp lực, cụ thể như sau.
Tấn công bằng miếng đánh chuyển hướng
Điểm yếu lớn nhất của Oman nằm chính ở sơ đồ 4-4-2 kim cương của họ. Khi tấn công khó lường bao nhiêu, thì khi phòng thủ nó lại tai hại bấy nhiêu. Khi đã đẩy được Oman về phần sân của họ, điểm yếu sẽ lộ ra.
Cụ thể, Oman dễ bị thua thiệt về khả năng phòng ngự biên, do không có tiền vệ biên hỗ trợ tuyến dưới. Ngoài ra, nếu các tiền vệ trung tâm nghiêng sang cánh bị tấn công, biên đối diện lại dễ dàng sơ hở.
Dưới đây là đề xuất về cách thức để tấn công Oman cho tuyển Việt Nam.
Việc tạo ra thế bóng với 2 cầu thủ chạy cánh có mặt trên cao là tương đối quan trọng để kéo giãn đối thủ. Ngoài bài đánh biên như mô tả trên, với các chân chuyền kỹ thuật cao như Quang Hải hay Tuấn Anh, Việt Nam hoàn toàn có thể nhắm tới các cú chuyển hướng tấn công trực tiếp sang bên đối diện, từ đó tạo ra cơ hội.
Đây cũng là cách mà Australia, Nhật Bản khai thác điểm yếu của Oman.
Trên đây là những đề xuất hoàn toàn dựa trên thực tế những gì thầy trò Park Hang Seo đã thể hiện, nằm trong phạm vi khả năng cầu thủ Việt Nam có thể thực hiện được.
Chúng ta cần tránh những khoảnh khắc như đầu hiệp 2 trận tuyển Trung Quốc, khi bất ngờ các cầu thủ lại đẩy lên rất cao và muốn áp sát đối thủ tận vòng cấm địa. Sự thiếu đồng bộ là biểu hiện rõ ràng của việc phương án này không phải bài miếng quen thuộc. Trừ SEA Games 30, hiếm khi hình ảnh ấy được thấy ở tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam trong triều đại HLV Park.
Điểm duy nhất có thể sẽ mang tính gây suy nghĩ cho ban huấn luyện có lẽ là việc đội tuyển cần cầm bóng chắc, điều tiết nhịp độ hợp lý, sẵn sàng chuyền thêm nhiều đường bóng mang tính "mua thời gian", để các cầu thủ chạy cánh có thể vào đúng vị trí trước khi chính thức tung ra cú tấn công hiểm.
Việc chuyền nhiều hơn cũng có thể sẽ mang tới giải pháp cho việc chống phản công, khắc phục vấn đề đã gặp trước tuyển Trung Quốc. Khi cả đội cùng nhau tiến về phía trước, cự ly đội hình sẽ dễ được giữ gìn hơn so với các cú chuyền dài. Đường chuyền dài thực hiện quá sớm sẽ buộc các tiền đạo, tiền vệ phải chạy lên và từ đó mất khối đội hình chung.
Dĩ nhiên, để làm được những điều này, các cầu thủ cần có liều thuốc tinh thần từ ban huấn luyện.