Quan chức Mỹ đang lấy bài học từ Ukraine để áp dụng vào Đài Loan, với hy vọng lực lượng của hòn đảo sẽ mạnh mẽ hơn, có khả năng đẩy lùi cuộc đổ bộ bằng đường biển của Trung Quốc.
Mục đích của Mỹ là biến Đài Loan trở thành “con nhím” - cụm từ một số quan chức sử dụng để chỉ vùng lãnh thổ tua tủa những gai nhọn là vũ khí và các hỗ trợ khác, có thể tung đòn đáp trả đau đớn nếu bị tấn công.
Tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo tại Gia Nghĩa, Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất và không loại trừ khả năng dùng vũ lực. Ảnh: Reuters. |
Mỹ khuyến nghị đổi loại vũ khí
Đài Loan từ sớm đã sở hữu tên lửa có thể vươn tới đại lục. Gần đây, hòn đảo mua thêm các loại vũ khí mới từ Mỹ, gồm hệ thống rocket lưu động, tiêm kích F-16 và tên lửa diệt hạm. Đây là những loại vũ khí phù hợp khi đối mặt lực lượng đổ bộ.
Như với Ukraine, chính phủ Mỹ cũng sẽ cung cấp thông tin tình báo cho Đài Loan để tăng cường độ hiệu quả cho những vũ khí này, kể cả khi Washington không điều quân can thiệp.
Những diễn biến trên có thể làm gia tăng rủi ro cho quân đội Trung Quốc, nhất là khi chiến dịch chiếm đảo Đài Loan vốn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp. Để tấn công đổ bộ Đài Loan, Hải quân Trung Quốc cần vượt qua khoảng cách hơn 150 cây số trên biển.
Một báo cáo năm 2021 của Lầu Năm Góc đánh giá quá trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc tiếp tục khoét sâu thêm chênh lệch năng lực giữa lực lượng hai bờ eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã lâu chưa trải qua thực chiến. Năng lực trên giấy cũng không đồng nghĩa với việc hiệu quả tác chiến sẽ tốt trên thực địa.
Hệ thống phòng ngự tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất trên đảo Đài Loan. Ảnh: AP. |
“Như đã thấy ở Ukraine, không ai biết được một đội quân sẽ chiến đấu ra sao cho tới khi giao tranh thật sự bắt đầu”, James Stavridis, đô đốc 4 sao đã nghỉ hưu và nguyên hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), nói. “Trung Quốc nhiều khả năng chưa sẵn sàng chịu rủi ro với mức năng lực hiện tại”.
Dù vậy, quan chức Mỹ vẫn cẩn trọng. Thời gian qua, họ đã âm thầm thúc giục Đài Loan mua các loại vũ khí phù hợp với kiểu giao tranh phi đối xứng. Đây là dạng xung đột mà đội quân nhỏ hơn dùng các hệ thống di động để giáng đòn hiểm hóc vào đối thủ lớn hơn.
Chính quyền Biden gần đây khuyến nghị cơ quan phòng vệ Đài Loan không đặt mua thêm cả trực thăng Seahawk MH-60R hoặc xe tăng Abrams M1A2.
Quan chức Mỹ đề cao tính lưu động nên đang khuyến khích Đài Loan mua loại tên lửa diệt hạm Harpoon bắn từ đất liền với độ cơ động cao. Tên lửa phòng không Stinger cũng có thể có hiệu quả đẩy lùi không quân Trung Quốc.
Về mặt nhân lực, quan chức Mỹ và Đài Loan đều nói binh sĩ trên đảo cần được tăng cường đào tạo, nhưng mỗi bên đều muốn đối phương gánh trách nhiệm lớn hơn.
“Binh sĩ Đài Loan chẳng mấy khi có cơ hội diễn tập cùng đồng minh”, Shu Hsiao Huang, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ của Đài Loan, nhận định.
Pháo tự hành M110 do Mỹ sản xuất khai hỏa trong cuộc tập trận thường niên tại Đài Loan vào tháng 5/2019. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, bà Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall Ðức của Mỹ, cho rằng Đài Loan cần xây dựng lực lượng dự bị và lực lượng phòng vệ lãnh thổ mạnh, có khả năng làm tiêu hao đối thủ như Ukraine.
“Trong nhiều năm, Mỹ đã khuyến khích lực lượng vũ trang Đài Loan trao đổi với các nước có lực lượng phòng ngự mạnh”, bà Glaser nói. “Hòn đảo đã cử người đến Israel, Singapore, Phần Lan, Thụy Điển và một số nước Baltic”.
Ngăn chặn hay khiêu khích?
Ngoài vũ khí, Mỹ cũng ngày một thường xuyên dùng sự hiện diện quân sự của mình và của đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc.
Lầu Năm Góc đã bắt đầu cung cấp thêm thông tin về những lần tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Quan chức Mỹ cũng tán dương các nước đối tác như Australia, Anh, Canada và Pháp khi tàu chiến của họ đi qua eo biển.
Mỹ còn thúc giục đồng minh lên tiếng về vấn đề Đài Loan.
Trong buổi họp báo chung với ông Biden hôm 23/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết hai nhà lãnh đạo cùng khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/5 tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nhưng chỉ ít phút sau, Nhà Trắng khẳng định Mỹ không thay đổi lập trường về Đài Loan. Ảnh: New York Times. |
Trong 3 tháng giao tranh Ukraine, Washington đã duy trì liên minh đối tác gồm các nước châu Âu và châu Á. Theo giới chức Mỹ, Washington đang hy vọng động thái này sẽ gửi thông điệp tới Trung Quốc và các nước khác về cái giá đi kèm cuộc giao tranh như Ukraine.
Quan chức Mỹ còn đã bắt đầu bàn tới việc họ có thể tái áp dụng đến đâu các biện pháp trừng phạt kinh tế và viện trợ quân sự như đã thực hiện tại Ukraine.
“Tôi muốn mọi sĩ quan quân đội Trung Quốc thức giấc mỗi ngày đều tin rằng họ không thể cô lập Đài Loan trong giao tranh, và sẽ phải đối diện cuộc xung đột tốn kém, phạm vi rộng, có mục tiêu nằm ngoài tầm với”, ông Eric Sayers, cựu cố vấn cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
Với thái độ cùng ngôn ngữ mạnh bạo hơn, Mỹ đang cố gắng giữ thăng bằng giữa ngăn ngừa và gây hấn. Một số nhà phân tích cho rằng các động thái trên của Mỹ có rủi ro khiêu khích Trung Quốc mở cuộc tấn công vào đảo Đài Loan.
“Chúng ta đã rõ ràng điều gì là ngăn ngừa, điều gì là khiêu khích Trung Quốc hay chưa?”, bà Glaser nói. “Câu trả lời là ‘chưa’ và điều đó rất nguy hiểm. Ta cần nghĩ rất kỹ về cách tăng cường hiệu quả ngăn ngừa”.