Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến thuật 'ăn gian' của quốc gia giàu bậc nhất thế giới

Thụy Sĩ mong muốn đầu tư cho các nước nghèo để có thể hoàn thành mục tiêu giảm phát thải một cách dễ dàng hơn. Dù vậy, chính sách này bị giới vận động khí hậu chỉ trích.

Một tấm biển phản đối các biện pháp cắt giảm khí thải carbon tại Thụy Sĩ với lý do chúng "phá hủy nền nông nghiệp". Ảnh: Reuters.

Thụy Sĩ - một trong những quốc gia giàu nhất thế giới - có mục tiêu về khí hậu đầy tham vọng: Cam kết cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống còn một nửa vào năm 2030.

Tuy nhiên, người Thụy Sĩ không có ý định cắt giảm khí thải mạnh tay như vậy trong lãnh thổ của họ. Thay vào đó, Bern mong muốn trả tiền cho các nước nghèo hơn - như Ghana hay Dominica để các nước này cắt giảm khí thải - trong khi Thụy Sĩ sẽ được hưởng công trạng, New York Times cho biết.

Dưới đây là một ví dụ về cách thỏa thuận vận hành: Thụy Sĩ sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống chiếu sáng và bếp lò “xanh” hơn cho 5 triệu hộ gia đình tại Ghana. Với hệ thống này, các gia đình sẽ không cần phải đốt củi để đun nấu, khiến lượng khí nhà kính thải ra sụt giảm. Lượng khí giảm đi này sẽ được tính cho Thụy Sĩ - thay vì Ghana.

Bà Veronika Elgart, phó lãnh đạo cơ quan chính sách khí hậu quốc tế tại Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ, cho biết thỏa thuận này vừa có lợi cho môi trường, vừa có lợi cho các nước nghèo. Dù vậy, một số nhà vận động đặt ra câu hỏi: Liệu chính sách này có công bằng hay không?

Chính sách gây tranh cãi

Tại hội nghị khí hậu COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, một trong những câu hỏi chính được thảo luận là việc các nước giàu nên đền bù bao nhiêu cho các nước nghèo vì các tác hại của biến đổi khí hậu - khi họ đảm nhận phần lớn trách nhiệm trong việc phát thải khí nhà kính ra bầu khí quyển.

Theo phe chỉ trích, nếu các nước giàu học tập Thụy Sĩ, họ sẽ đẩy gánh nặng giảm khí thải sang các nước nghèo, trong khi bản thân hành động không đủ mạnh. Bên cạnh đó, họ có thể lợi dụng các dự án chắc chắn sẽ được các nước nghèo thực thi - dù có nguồn tài trợ hay không.

“Đây là cách đùn đẩy trách nhiệm cắt giảm khí thải”, ông Crispin Gregoire, cựu Đại sứ Dominica tại Liên Hợp Quốc, nói. Quốc đảo vùng Caribe khoảng 72.000 dân của ông vừa đạt được thỏa thuận với Thụy Sĩ vào năm 2021.

“Thay vì tự giảm phát thải, Thụy Sĩ tới các nước khác - vốn có lượng phát thải thấp - để thực hiện nghĩa vụ này”, ông Gregoire phàn nàn.

cat giam khi thai anh 1

Công bằng khí hậu là một trong những chủ đề được thảo luận tại hội nghị COP27 đang diễn ra ở Ai Cập. Ảnh: AP.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 cho phép các quốc gia hợp tác cắt giảm khí nhà kính. Dù vậy, cơ chế hợp tác giữa các bên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề - bao gồm cách đảm bảo các dự án được đánh giá và giám sát hiệu quả. Đây sẽ là một chủ đề đàm phán trong hội nghị COP27 tại Cairo tuần này.

Thụy Sĩ đã tuyên bố không tự mình cắt giảm lượng khí thải theo cam kết, mà sẽ hợp tác với ít nhất một quốc gia khác để làm điều này. Trên thực tế, đa số nguồn điện của Thụy Sĩ đã đến từ những loại năng lượng ít phát thải như thủy điện và điện hạt nhân, khiến họ gặp khó khăn hơn khi hành động.

Tính đến nay, Bern đã ký được thỏa thuận với 8 quốc gia: Peru, Ghana, Senegal, Georgia, Vanuatu, Dominica, Thái Lan và Ukraine. Họ cũng đang đàm phán với ba quốc gia khác. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Thụy Điển đã bày tỏ ý định áp dụng chính sách tương tự.

Cuộc tranh luận nổ ra giữa lúc các nước giàu đang bị chỉ trích vì không cung cấp đủ nguồn tài chính cho các nước nghèo như cam kết, khiến họ gặp khó khăn hơn trong đối phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2009, các nước giàu từng cam kết chi 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương do thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu vào năm 2020. Dù vậy, lời hứa này đã không hoàn thành, Reuters cho biết.

Theo phân tích của Viện Phát triển Nước ngoài (ODI), lượng tiền đóng góp của Thụy Sĩ về khí hậu thấp hơn gần 40% so với con số mà họ cần chi ra. Thụy Sĩ cũng đang chậm chân trong việc thực hiện mục tiêu phát thải theo cam kết của Thỏa thuận Paris 2015.

Nhiều quốc gia khác - như Mỹ, Anh, Canada hay Australia - cũng chi thiếu hàng tỷ USD cho gói hỗ trợ này, Guardian đưa tin hôm 7/11.

Khả năng "ăn gian"

Theo ông Thomas Day, chuyên gia về thị trường Carbon tại Viện NewClimate (Đức), các thỏa thuận mà Thụy Sĩ đã ký kết hoàn toàn có khả năng tài trợ cho các dự án vốn đã tồn tại.

Ví dụ, Thụy Sĩ ban đầu muốn đầu tư để giúp các tòa nhà công sở tại Georgia sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Dù vậy, Georgia đã dự định áp dụng biện pháp nâng cấp này.

cat giam khi thai anh 2

Quang cảnh thủ đô Tbilisi của Georgia. Ảnh: New York Times.

Theo ông Day, điều này có nghĩa Thụy Sĩ sẽ nhận được công trạng cho lượng giảm phát thải dù gì vẫn sẽ được thực hiện. Trong khi đó, Georgia sẽ cần thực hiện các dự án khó khăn và đắt đỏ hơn để đạt được mục tiêu giảm phát thải của họ.

Theo bà Jade Begay, lãnh đạo bộ phận công bằng khí hậu tại NDN Collective - tổ chức vận động về xã hội và môi trường do người bản địa ở Mỹ dẫn dắt, các nước giàu như Thụy Sĩ có nghĩa vụ giúp đỡ các nước nghèo mà không đòi hỏi trả công.

Bà Begay cho rằng việc các thỏa thuận như trên được cấp phép là điều “nguy hiểm”, khi chúng giúp các nước giàu “tiếp tục gây ô nhiễm và tiếp tục hoạt động như bình thường - điều là nguyên nhân sâu xa của vấn đề”.

Trong khi đó, ông Mischa Classen, Giám đốc Quỹ KliK - một tổ chức phi lợi nhuận tại Thụy Sĩ đang làm việc với chính phủ để thực thi các thỏa thuận - cho biết Bern đang có kế hoạch tài trợ cho các dự án tham vọng hơn tại Georgia như giúp hộ gia đình sử dụng năng lượng hiệu quả.

Về phần mình, bà Elgard tại Văn phòng Môi trường Liên bang Thụy Sĩ cho biết Georgia có quyền cấp phép hoặc từ chối các dự án trong khuôn khổ thỏa thuận. Các nước đối tác “ngồi ở ghế lái”, vị quan chức nói.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tổng thư ký Guterres: Thế giới đang trên đường đến 'địa ngục khí hậu'

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 7/11 tuyên bố các quốc gia sẽ phải lựa chọn: Hợp tác cắt giảm khí nhà kính hoặc buộc các thế hệ sau chịu đựng thảm họa khí hậu.

Nhiều sông băng lớn sẽ biến mất vào 2050

Theo UNESCO, một phần ba diện tích sông băng trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2050 bất kể tình hình diễn biến khí hậu sắp tới như thế nào.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm