Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến thắng lớn đầu tiên cho Tổng thống Biden

Quốc hội Mỹ hôm 5/2 thông qua khoản ngân sách cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD, mở đường cho chiến thắng lập pháp quan trọng đầu tiên của phe Dân chủ và Tổng thống Biden.

Với tỷ lệ phiếu bầu 219 - 209, Hạ viện Mỹ hôm 5/2 thông qua kế hoạch ngân sách cứu trợ Covid-19 mà ông Biden đề xuất, theo Reuters.

Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng thông qua khoản ngân sách này với lá phiếu quyết định mà Phó tổng thống Kamala Harris lần đầu sử dụng để phá vỡ thế cân bằng 50 - 50.

Tong thong Biden huong toi chien thang lap phap dau tien anh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Giờ đây, chính quyền Biden sẽ phải làm việc với các ủy ban quốc hội để cụ thể hóa các khoản chi, dự kiến hoàn tất vào giữa tháng 3. Đây sẽ là thách thức không nhỏ về mặt thời gian cho cả hai bên.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 5/2, ông Biden và các lãnh đạo đảng Dân chủ nói họ muốn giải ngân gói cứu trợ khổng lồ này càng sớm càng tốt, trong bối cảnh đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 450.000 người tại Mỹ.

Ông Biden nói ông sẵn sàng thỏa hiệp với phe Cộng hòa, miễn là họ không làm trì hoãn mọi chuyện.

Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng hành động mà không cần sự ủng hộ của đảng này.

“Tôi tin rằng người dân Mỹ ngay lúc này đang cần chính phủ giúp đỡ, cần chính phủ làm công việc của mình, không để họ thất vọng. Vì vậy, tôi sẽ hành động. Tôi sẽ hành động nhanh chóng", ông nói, theo AP.

"Tôi muốn làm điều đó với sự hỗ trợ của các thành viên đảng Cộng hòa. Chỉ là họ không sẵn sàng đi xa như tôi nghĩ chúng tôi phải đi", ông Biden nói.

Quyết định về ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua kế hoạch của ông Biden bằng đa số quá bán tại Thượng viện gồm 100 thành viên, thay vì 60 phiếu cần thiết cho hầu hết luật.

Điều đó có nghĩa là đảng Dân chủ, phe kiểm soát 50 trong 100 ghế, có thể không cần phiếu của đảng Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa đã đề xuất khoản ngân sách cứu trợ 600 tỷ USD, chưa bằng một phần ba quy mô kế hoạch của đảng Dân chủ. Ông Biden cho rằng cứu trợ ở mức độ này chỉ kéo dài tổn thất kinh tế.

Việc chính quyền Biden thúc đẩy kế hoạch cứu trợ diễn ra trong bối cảnh có những dấu hiệu mới cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy yếu. Các doanh nghiệp chỉ tạo thêm 49.000 việc làm trong tháng 1, sau khi cắt giảm 227.000 việc làm trong tháng 12/2020, Bộ Lao động Mỹ cho biết.

Trong số việc làm mới, chỉ có 6.000 việc làm ở khu vực tư nhân. Các nhà hàng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất và thậm chí các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tiếp tục sa thải nhân sự vào tháng trước.

    "Với tốc độ đó, sẽ mất 10 năm cho đến khi ai nấy đều có việc làm", ông Biden nói trong cuộc họp. "Đó không phải là cường điệu. Đó là sự thật".

    Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng, nói rằng tỷ lệ bỏ phiếu ở cả hai viện cho thấy sự ủng hộ của cử tri lưỡng đảng đối với kế hoạch cứu trợ, gạt sang bên những chỉ trích rằng ông Biden đã hy sinh sự đoàn kết lưỡng đảng vì lợi ích đảng phái.

    "Ông ấy không tranh cử với cam kết hợp nhất đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thành một đảng ở Washington", bà Psaki nói trong cuộc họp báo hôm 5/2 tại Nhà Trắng.

    Phó tổng thống Harris lần đầu sử dụng quyền lực ở Thượng viện

    Phó tổng thống Harris lần đầu tiên bỏ phiếu phá vỡ tỷ lệ hòa ở Thượng viện hôm 5/2, giúp đảng Dân chủ thông qua nghị quyết về gói ngân sách cứu trợ Covid-19.

    Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của ông Biden có đủ sức cứu kinh tế Mỹ?

    Các chuyên gia cho rằng gói cứu trợ mà ông Biden đề xuất có thể thúc đẩy triển vọng phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc phục hồi phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh.

    Đông Phong

    Bạn có thể quan tâm