Thỏa. Đó chỉ là chữ duy nhất để nói sau trận chung kết. Trước giờ bóng lăn, sự vắng lặng của những con phố ở các đô thị đúng giờ tan tầm cho thấy sự mong đợi của người hâm mộ lớn đến mức nào. Và khi trọng tài nổi hồi còi chấm dứt trận chung kết, những người đã chuẩn bị từ sớm để tụ tập đây đó chờ mong trận chung kết đã được đáp đền bằng đúng một chữ: "thỏa".
U22 Việt Nam giành tấm HCV lịch sử tại SEA Games. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khả năng "đọc vị" trận đấu của HLV Park Hang-seo
U22 Việt Nam bước vào trận đấu với 10 phút đầu để lại đầy âu lo cho những người hâm mộ khi U22 Indonesia chủ động tăng tốc, chủ động phủ đầu với kỳ vọng có bàn thắng sớm để đoàn quân của Park Hang-seo phải lâm vào thế khó. Tuy nhiên, sự điềm tĩnh mà U22 Việt Nam nuôi dưỡng từ đầu giải vẫn còn đó.
Dù vẫn chưa có những mối liên lạc mạch lạc từ đầu để thoát áp lực đối thủ, U22 Việt Nam vẫn không cho U22 Indonesia một cơ hội nào. Cả hiệp 1, cú sút phạt trực tiếp của đội bạn cũng là cơ hội nguy hiểm duy nhất mà họ có thể tạo ra. Phần còn lại, thế trận đã thuộc về U22 Việt Nam đúng nghĩa.
Trận thắng 3-0 để lên ngôi vô địch SEA Games của U22 Việt Nam có thể được coi là trận cầu "chuẩn không cần chỉnh". Nhìn vào cách lựa chọn đội hình và tiếp cận trận đấu của Park Hang-seo, chúng ta thấy rõ HLV trưởng của U22 Việt Nam đã có những toan tính sớm rất đúng đắn, và cầu thủ của ông đã thực hiện rất chuẩn xác.
Điểm nhấn lớn nhất của trận đấu chính là việc Park Hang-seo để Tấn Tài chơi ở biên trái, một vị trí nhiều người nghĩ không phải là sở trường của cầu thủ thuận kèo phải này. Tuy nhiên, HLV Park Hang-seo có ý đồ của mình. Ở hành lang trái, ông cần Tấn Tài là người sẽ bó vào trung lộ nhiều hơn để hỗ trợ, trám lấp không gian với mục đích duy nhất là mở ra cơ hội để Hà Đức Chinh và đặc biệt là Hùng Dũng khai thác biên trái của đối phương.
Những toan tính chính xác của HLV Park. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bàn mở tỷ số đến từ pha cố định nhưng thực tế, dấu ấn tấn công biên trái của U22 Việt Nam là rất rõ. Hùng Dũng hoạt động ở khu vực này nhiều hơn là biên phải mỗi khi dâng lên tham gia tấn công. Trong hệ thống hàng tiền vệ trung tâm là Hùng Dũng - Đức Chiến - Hoàng Đức, Hùng Dũng được chơi tự do. Lúc thì anh là một số 8; lúc anh lại chơi như một số 10 hiện đại và chính sự đa dạng ấy của Dũng đã tạo nên sức sống cho U22 Việt Nam.
Pha bóng ấn tượng của hiệp 1 phải kể đến là tình huống ở phút 45, tình huống Hà Đức Chinh căng bóng trả ngược cho Tiến Linh dứt điểm 1 nhịp rất điệu nghệ. Chính pha bóng ấy mới là ví dụ điển hình cho ý đồ khoét thẳng vào biên phải của đối thủ (biên trái theo hướng tấn công của U22 Việt Nam) của Park Hang-seo. Và để Hùng Dũng có thể khai thác khoảng không gian ấy, việc Hồ Tấn Tài được "điều" sang biên trái để bó vào trung lộ lấp không gian Hùng Dũng để lại hoặc để hỗ trợ là một quyết định mấu chốt.
Để có được một Tấn Tài chơi tròn vai như thế ở trận chung kết này, phải nhớ lại những năm tháng mà HLV Hoàng Anh Tuấn đã sử dụng anh đa dạng ở thời U19, U20 Việt Nam cách đây hơn hai năm. Sự góp mặt bất ngờ của Tài ở biên trái đã khiến U22 Việt Nam chơi linh hoạt hơn, với sơ đồ biến đổi từ 3-4-2-1 khi tấn công sang 5-3-2 khi phòng ngự.
Mọi vị trí thi đấu rất tốt
Bàn thắng thứ 2 của U22 Việt Nam cũng được khai thác từ không gian bên trái đó, với pha dứt điểm bóng 2 tuyệt vời của Hùng Dũng ở chênh chếch góc trái khu vực 16,5 m của U22 Indonesia. Hàng tiền vệ của U22 Việt Nam đã vận hành quá tốt ở trận này với "nhiên liệu" Đức Chiến và sự cơ động của động cơ Hùng Dũng cùng sự nhịp nhàng của khớp nối Hoàng Đức.
Trong khi đó, dù không ghi bàn, Hà Đức Chinh đã chơi quá xuất sắc trong vai trò của một tiền đạo thủ (defensive forward) và Tiến Linh thì đóng vai một trung phong mục tiêu (target man) cực hoàn chỉnh.
Trọng Hoàng và Văn Hậu có trận đấu ấn tượng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, không thể nào không bỏ qua cái tên Văn Hậu, cầu thủ hay nhất trận chung kết. Can thiệp kịp thời khi phòng ngự, lựa chọn vị trí đúng thời điểm, năng nổ khi tham gia tấn công và chặt chẽ khi phòng ngự, Văn Hậu chính là chìa khóa khi anh ghi hai bàn thắng quan trọng cho U22 Việt Nam. Chiều cao là một lợi thế nhưng chọn vị trí mới là điểm mạnh để Hậu chiến thắng và chính bàn thắng ấn định tỷ số mới càng khẳng định khả năng chọn vị trí tuyệt vời của anh.
Tất nhiên, một vị trí chuẩn không cần chỉnh nữa mà chúng ta phải nói đến là Trọng Hoàng. Việc Hoàng không leo biên tấn công như mọi khi chứng minh tính kỷ luật chiến thuật của anh như thế nào. Park Hang-seo đã lựa chọn cho Hoàng một vai trò thiên về phòng ngự và hỗ trợ hơn ở trận chung kết này và anh đã làm quá tốt nhiệm vụ được giao, chứng tỏ sự già rơ của một chiến mã xông pha trận mạc quá nhiều.
Trận chung kết này thực sự không còn điểm gì để chê dù rằng hiệp 2 có tình huống chúng ta để đối thủ thoát xuống giữa khe hậu vệ biên và trung vệ và dứt điểm nguy hiểm. Mọi toan tính của Park Hang-seo là quá chuẩn và việc thực thi nó của các tuyển thủ cũng không còn gì phải chỉnh.
Chúng ta cần cảm ơn họ, cảm ơn sự tỉnh táo, tính kỷ luật, sự khôn ngoan của họ đã mang lại chiếc huy chương vàng lịch sử, chiếc huy chương vàng mà người hâm mộ đã đợi quá lâu, thậm chí có những lúc thấy đau vì đợi chờ ấy.
Vinh quang Việt Nam. Thỏa.