Bình luận
Số danh hiệu Grand Slam là một trong những thước đo rõ ràng nhất để xác định ai là "tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại - GOAT". Rafael Nadal vượt qua Novak Djokovic trong trận chung kết Pháp Mở rộng với tỷ số 3-0 để lần thứ 13 lên ngôi tại giải, đồng thời cán mốc 20 danh hiệu Grand Slam.
Sau khi Nadal lên ngôi tại Roland Garros, Federer gọi việc giành 13 chức vô địch của Nadal là "một trong những thành tích vĩ đại nhất của thể thao". Danh hiệu thứ 20 của Nadal sẽ hâm nóng những tranh cãi về người xứng đáng được coi là tay vợt nam vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt.
Nadal và Federer cùng có 20 danh hiệu Grand Slam. Ảnh: ATP. |
Cân bằng cuộc đua Grand Slam
Nadal đã không để thua set nào trong 7 trận. Anh hạ Djokovic 6-0, 6-2 và 7-5 ở trận chung kết và cán mốc 100 chiến thắng tại Roland Garros.
Nadal và Federer là đối trọng trong hơn một thập kỷ, từng tạo nên những trận đấu kinh điển, trong đó có chung kết Wimbledon 2008, nơi Nadal giành chiến thắng trong 5 set. "Tàu tốc hành" luôn dẫn Nadal trong cuộc đua Grand Slam, cho tới hôm 11/10.
Số danh hiệu đơn Grand Slam trở thành yếu tố quan trọng nhất, được đem ra so sánh nhiều nhất trong kỷ nguyên Federer, Nadal và Djokovic thống trị quần vợt nam. Họ thúc đẩy nhau cải thiện các trận đấu và kéo dài sự nghiệp.
Theo BBC, cuộc đua "GOAT", ít nhất xét về các danh hiệu lớn, đang diễn ra hấp dẫn hơn bao giờ hết giữa "Big Three", trong đó Federer và Nadal nhỉnh hơn khi cùng có 20 danh hiệu Grand Slam.
Cuộc đua Grand Slam của "Big Three". Đồ họa: Minh Phúc. |
Khi "Tàu tốc hành" vượt kỷ lục của huyền thoại Pete Sampras với việc giành danh hiệu Grand Slam thứ 15 tại Wimbledon 2009, ít ai nghĩ kỷ lục của anh sẽ bị theo kịp. Lúc đó, Nadal mới 23 tuổi và có 6 lần vô địch các giải lớn, trong khi Djokovic chưa có thêm danh hiệu nào sau chức vô địch Australian Open 2008.
Sau khi vô địch ít nhất một giải đấu lớn mỗi năm từ 2003 đến 2010, quỹ đạo thành tích của Federer bắt đầu đi xuống trong năm 2011, lúc Djokovic bắt đầu ngự trị trên đỉnh của quần vợt thế giới.
Federer giành một danh hiệu Wimbledon 2012, nhưng sau đó, phong độ chói sáng của các đối thủ và chấn thương của anh, khiến tay vợt người Thụy Sĩ không có thêm danh hiệu lớn nào trong 4 năm liên tiếp. Nhiều người đã gạch tên Federer khi cho rằng cuộc đua vô địch chỉ còn là sự cạnh tranh giữa Nadal và Djokovic.
Tuy nhiên, "Tàu tốc hành" trở lại ấn tượng vào năm 2017, khi các đối thủ của anh vấp ngã trong cuộc đua vì chấn thương và mất phong độ. Tay vợt Thụy Sĩ có thêm 3 danh hiệu để cán mốc 20 chức vô địch Grand Slam. Cuộc đua giữa "Big Three" trở nên gay cấn khi Nadal và Djokovic chia nhau các danh hiệu trong năm ngoái.
Nhiều người cho rằng sự thống trị áp đảo của Nadal trên mặt sân đất nện Roland Garros khiến anh không phải là một tay vợt hoàn hảo như Federer và Djokovic. "Vua đất nện" đã giành 13 trong số 20 danh hiệu lớn của mình tại Paris.
Thống kê danh hiệu của "Big Three" tại mỗi Grand Slam. Đồ họa: Minh Phúc. |
Cả Federer và Djokovic đều không thống trị như vậy ở một giải đấu. Tuy nhiên, hai tay vợt này đều có một giải Grand Slam mà họ bất bại trong nhiều năm và giữ kỷ lục về số danh hiệu giành được. Federer đã có được 8 chức vô địch trong số 20 danh hiệu lớn trên mặt sân cỏ Wimbledon, trong khi Djokovic giành được 8 trong số 17 chiếc cúp trên mặt sân cứng ở Australian Open.
Chỉ tính riêng các cuộc đối đầu tại Grand Slam, Nadal chiếm ưu thế trước hai kỳ phùng địch thủ. "Rafa" dẫn Djokovic 10-6, trong đó có 7 chiến thắng tại Roland Garros, và dẫn Federer 10-4, với 6 trận thắng ở mặt sân đỏ tại Paris.
Federer thất thế trong cuộc đua Masters 1.000
Ngoài các danh hiệu Grand Slam, khoảng thời gian giữ ngôi số một thế giới cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc đua "GOAT". Federer đang nắm giữ kỷ lục với 310 tuần đứng đầu bảng xếp hạng quần vợt nam, trong đó có 237 tuần liên tiếp.
Tuy nhiên, Djokovic đang nhanh chóng áp sát. Tay vợt Serbia hiện có 289 tuần đứng ngôi số một, vượt huyền thoại Sampras, sau khi anh vô địch Rome Masters vào tháng trước. Nadal thất thế trong cuộc đua này khi mới chỉ có 209 tuần ngự trị trên đỉnh.
Trong khi các giải Grand Slam thu hút nhiều sự chú ý nhất vì sự uy tín và thể thức thi đấu độc đáo, rất nhiều giải đấu quan trọng khác cũng được tính vào để bàn luận về cuộc đua "GOAT".
Trong "Big Three", Federer giành được nhiều danh hiệu nhất, với 103 lần lên ngôi. Ở nội dung đơn nam, "Tàu tốc hành" chỉ đứng sau Jimmy Connors, người giành 109 danh hiệu. Chức vô địch Roland Garros 2020 giúp Nadal bổ sung danh hiệu thứ 86 vào bộ sưu tập.
Federer cũng dẫn đầu về số lần vô địch ATP Finals, giải đấu được coi là Grand Slam thứ 5. "Tàu tốc hành" đã 6 lần lên ngôi ở giải đấu được tổ chức theo vòng bảng tính điểm, sau đó đánh loại trực tiếp, dành cho 8 tay vợt xuất sắc của năm.
Djokovic đã 5 lần vô địch giải đấu này trong khi Nadal chưa bao giờ lên ngôi. "Rafa" mới 2 lần về nhì, khi thua Federer năm 2010 và Djokovic năm 2013, nhưng đã bỏ lỡ giải 4 lần trong 8 năm qua vì chấn thương.
Số danh hiệu quan trọng "Big Three" gặt hái được. Ảnh: ATP. |
Xếp sau các giải Grand Slam, ATP Finals là các giải Masters 1.000. Kể từ năm 2009, 9 giải đấu này được tổ chức trên các sân cứng ở Indian Wells, Miami, Montreal, Toronto, Cincinnati và Thượng Hải, cùng với các giải trên sân đất nện ở Monte Carlo, Madrid và Rome.
Năm nay chỉ có Cincinnati và Rome được tổ chức do ảnh hưởng của đại dịch. Djokovic thắng cả 2 giải. Tay vợt Serbia đang giữ kỷ lục 36 lần vô địch các giải Masters 1.000, trong đó 2 lần hoàn thành bộ sựu tập Career Golden Masters. Nadal có 35 lần vô địch, trong khi con số này của Federer là 28.
Ở đấu trường Olympic, Nadal là tay vợt duy nhất trong "Big Three" giành HCV nội dung đơn nam khi vô địch năm 2008 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Federer lỡ cơ hội khi thua Andy Murray tại chung kết Olympic London 2012, trong khi Djokovic nhận HCĐ năm 2008.
Khi cuộc cạnh tranh giữa Nadal và Federer được đề cập nhiều nhất, tay vợt Tây Ban Nha tỏ ra không mấy bận tâm. Anh nói sau khi vô địch Roland Garros: "Tôi không nghĩ về danh hiệu thứ 20. Hôm nay, đối với tôi chỉ là một chiến thắng. Roland Garros rất có ý nghĩa. Tôi đã trải qua ở đây những khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp quần vợt. Không nghi ngờ gì về điều đó".
BBC nhận định, việc tranh luận "Ai là tay vợt vĩ đạt nhất" mà chỉ dựa vào những con số không thể nói lên bức tranh toàn cảnh. Nó không thể phản ánh được phong cách thi đấu của từng tay vợt, cách họ thích ứng với trò chơi, sức mạnh thể chất và tinh thần, cũng như cách họ vượt qua những thời khắc khó khăn nhất sự nghiệp. Tuy nhiên, những con số lại là cơ sở cho những cuộc tranh luận.