Theo trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, trong số 21 phi công, giáo viên huấn luyện dù, chiến đấu viên đặc công và học viên tham dự chuyến bay sáng 7/7, chỉ duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương còn sống và đang được tiếp tục cứu chữa tại Viện Bỏng quốc gia.
Còn theo thông tin từ Viện Bỏng quốc gia, tất cả các cán bộ chiến sĩ bị thương được đưa về Viện Bỏng quốc gia đều sốc do bỏng 50-75% diện tích cơ thể, bị hội chứng sóng nổ do vụ nổ diễn ra ở trên cao và đa chấn thương.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay rơi ở Hà Nội sáng 7/7 |
Trước khi hy sinh, thượng úy Hoàng Anh đã có những ngày nỗ lực chiến đấu với vết thương, anh đã vài lần được các bác sĩ dự định “cai” máy lọc máu liên tục để chuyển sang biện pháp điều trị mới nhưng không thành. Sáng 2/9, thượng úy Hoàng Anh qua đời do sốc nhiễm trùng, suy thận nặng.
Trung tướng Nguyễn Tiến Bình cho biết sức khỏe thượng úy Đinh Văn Dương đã diễn biến tốt hơn trong hai tuần trước đây, anh đã được ngừng sử dụng máy lọc máu liên tục. Tuy nhiên, hai ngày trước thượng úy Dương đã bị sốc nhiễm trùng trở lại và tiếp tục phải lọc máu liên tục.
Trước đó, ngày 7/7, máy bay trực thăng của Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội rơi ở Hòa Lạc, Hà Nội. 16/21 thành viên tham gia chuyến bay đã tử vong tại chỗ, hai người tử vong ngay trong khi được cấp cứu tại bệnh viện. Còn lại ba người là thượng úy Nguyễn Văn Tuấn, thượng úy Đinh văn Dương và Nguyễn Hoàng Anh được tiếp tục điều trị. Nhưng thượng úy Tuấn cũng đã hy sinh hôm 19/7.