Nhân dịp 4 năm thành lập công ty, ông Hemant Rupani - tân Tổng giám đốc Mondelez Kinh Đô, chia sẻ lý do quyết định đến Việt Nam cũng như kế hoạch phát triển công ty thời gian tới.
- Ông có thể chia sẻ về tình hình kinh doanh của Mondelez Kinh Đô sau 4 năm hoạt động tại Việt Nam? Mức tăng trưởng sau khi mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô và những đóng góp của Mondelez Kinh Đô cho kết quả kinh doanh của tập đoàn trong khu vực?
- Tháng 7 vừa qua, Mondelez Kinh Đô chính thức tròn 4 năm hoạt động từ khi Mondelēz International mua lại mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô, sở hữu các thương hiệu trong nước nổi tiếng như bánh trung thu Kinh Đô, bánh mì Kinh Đô, Solite, Cosy và AFC. Tại Việt Nam, Mondelez Kinh Đô Việt Nam được phép sử dụng các nhãn hiệu nói trên và sẽ tiếp tục sử dụng trong tương lai.
Ông Hemant Rupani, tân Tổng giám đốc Mondelez Kinh Đô. |
Trong những năm đầu tiên, chúng tôi tập trung hoàn thành việc hợp nhất giữa 2 công ty cũng như các tiêu chuẩn và quy trình nội bộ. Sau đó, công ty đẩy mạnh đầu tư cho các nhà máy sản xuất, đặc biệt về an toàn lao động, an toàn thực phẩm và điều kiện làm việc. Chúng tôi đã ưu tiên đầu tư khoảng 10 triệu USD cho các hoạt động này.
Trong giai đoạn kế tiếp, Mondelez Kinh Đô tập trung hơn vào sản phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, kết hợp giữa chuyên môn của Kinh Đô như kinh nghiệm sản xuất bánh trung thu, với năng lực tiếp thị và quảng bá thương hiệu của Mondelez. Chúng tôi cũng chú trọng đến đội ngũ nhân viên, minh chứng qua việc Mondelez Kinh Đô được công nhận là “Nơi làm việc tốt nhất tại Việt Nam”, xếp hạng 45 trong ngành và thứ 13 trong các doanh nghiệp tiêu dùng nhanh (FMCG).
Ngoài ra, chúng tôi đã bổ sung nhiều hạng mục sản phẩm mới, bao gồm chocolate, kẹo gum và kẹo. Công ty cũng giới thiệu những thương hiệu được yêu thích như Oreo, Ritz, Lu, Slide, Cadbury, Toblerone, Halls, Trident, Tang đến khách hàng Việt Nam. Chúng tôi đã ra mắt thành công gần 80 sản phẩm mới tại Việt Nam trong 4 năm qua.
Công ty đặc biệt đầu tư nâng cấp các nhà máy sản xuất tại Việt Nam để phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Ngày nay, sản phẩm của Mondelez Kinh Đô đã được xuất khẩu đến 16 quốc gia trên thế giới.
Là một đơn vị kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á, Mondelez Kinh Đô đang đóng góp vào sự tăng trưởng của tổ chức trên toàn cầu. Chúng tôi không chỉ phát triển doanh nghiệp sau thương vụ mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô, mà còn củng cố và giới thiệu thành công thêm nhiều nhãn hàng, hạng mục sản phẩm tại thị trường này.
Thương hiệu bánh Cosy của Mondelez Kinh Đô. |
- Trở thành tổng giám đốc của công ty sau khi đảm nhiệm thành công các vị trí quản lý cấp cao tại những thị trường khác, trong đó có Ấn Độ, ông có thể chia sẻ lý do quyết định đến Việt Nam?
- Trong buổi thảo luận giữa tôi và công ty, có 2 vấn đề được xác định rõ:
Thứ nhất, tôi không muốn đến một thị trường quá nhỏ hoặc ít tiềm năng phát triển. Nền kinh tế Việt Nam có tốc độ phát triển ấn tượng, nên sức hấp dẫn cũng lớn với nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ hai, điều thật sự lôi cuốn tôi là danh mục sản phẩm toàn diện của Mondelez, từ bánh mì, bánh ngọt, bánh quy đến chocolate, kẹo gum, kẹo và nước giải khát dạng bột, với hạn sử dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.
Như đã đề cập, khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành động lực tăng trưởng của thế giới. Thách thức của hầu hết thị trường mới nổi là có thời điểm phát triển cực thịnh lẫn suy thoái. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên tôi đặt ra là xây dựng doanh nghiệp với đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Phát triển bền vững không chỉ thể hiện ở những con số mà sẽ đóng vai trò quan trọng xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, mà còn thể hiện qua môi trường, người tiêu dùng và nhãn hàng. Chúng tôi đã có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực này, chẳng hạn tiết kiệm nguồn nước. Tong 4 năm qua, Mondelez Kinh Đô đã cắt giảm 1/3 lượng nước sử dụng so với trước đây.
Bên cạnh đó, việc tạo ảnh hưởng tích cực đến nguồn nhân lực cũng là mục tiêu quan trọng. Tất cả nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa nếu không thúc đẩy về con người. Do đó, sự phát triển ngoài phục vụ công ty còn cả đội ngũ nhân sự đang vận hành doanh nghiệp.
“Đại gia đình” Mondelez Kinh Đô. |
- Ông có những kế hoạch nào cho Mondelez Kinh Đô Việt Nam?
- Trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã lên kế hoạch chiến lược cho 3-4 năm tới, xác định rõ cơ hội hấp dẫn cho danh mục sản phẩm sẵn có của công ty cũng như khoảng trống thị trường có thể tham gia. Công ty cũng tích cực lắng nghe phản hồi của khách hàng về các sản phẩm xuất khẩu tại 16 thị trường quốc tế, để không ngừng nâng cao chất lượng.
Tôi cũng tự hào về đội ngũ nhân sự chất lượng cao của công ty - những người tài năng và tận tâm. Vì thế, cơ hội phát triển tại Việt Nam với nguồn nhân lực sẵn có mở ra triển vọng lớn cho những kế hoạch đột phá thời gian tới.
Nhận thấy nhu cầu tại khu vực nông thôn Việt Nam vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, chúng tôi đang tập trung triển khai các mô hình kênh phân phối toàn diện (Route-to-Market) để phục vụ tốt hơn người tiêu dùng tại đây.
Về khía cạnh tăng trưởng kinh doanh, công ty sẽ mở rộng hệ thống phân phối và tập trung khai thác cơ hội đổi mới, sáng tạo trong danh mục sản phẩm. Đồng thời, để phát triển đội ngũ nhân sự, nhiều chương trình thiết thực sẽ được tổ chức nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực của công ty.
Chúng tôi cũng cam kết thực hiện trách nhiệm với cộng đồng nơi công ty đang hoạt động kinh doanh, điển hình là chương trình “Vui đến trường - Joy Schools”. Chương trình góp phần cải thiện sức khỏe của thế hệ trẻ bằng việc cung cấp kiến thức hữu ích về dinh dưỡng cho hơn 4.000 trẻ em tại Việt Nam mỗi năm.
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường bánh kẹo nói riêng và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung tại Việt Nam? Thị trường này có gì khác biệt so với các thị trường mà trước đây ông đã làm việc?
- Việt Nam đang tăng trưởng rất tốt nhờ sự khuyến khích và các chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho các nhà sản xuất. Nhờ đó, đời sống kinh tế của người tiêu dùng cũng được nâng cao, kéo theo là sự gia tăng về nhu cầu đối với sản phẩm chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp và thương hiệu tốt hơn. Điều này đem lại cơ hội thuận lợi cho sự phát triển của ngành sản xuất bánh kẹo nói riêng và FMCG nói chung.
Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cũng tạo động lực thúc đẩy quan trọng tại thị trường Việt Nam. Điều này dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng thức ăn nhẹ. Phụ nữ đi làm cũng cần những sản phẩm và thương hiệu uy tín để yên tâm chọn cho con mình trong bữa trưa tại trường hoặc ăn nhẹ sau giờ học. Đây là những nhu cầu rất quan trọng mà chúng tôi đang nỗ lực để đáp ứng tốt nhất.
- Bánh trung thu là sản phẩm chủ lực của công ty trong nhiều năm qua. Ông có thể chia sẻ về chiến lược sản xuất bánh trung thu năm nay?
- Năm nay, Mondelez Kinh Đô tiếp tục giới thiệu 83 loại bánh trung thu, bao gồm trung thu không đường dành cho người có nhu cầu đặc biệt về sức khỏe. Ngoài ra, chúng tôi đã sử dụng túi giấy cho sản phẩm, có thể tái sử dụng và tái chế để góp phần hạn chế rác thải nhựa, thân thiện với môi trường. Đây là một trong những cam kết toàn cầu của công ty nhằm sử dụng 100% bao bì có khả năng tái chế vào năm 2025.
Bánh trung thu Kinh Đô được phân phối hơn 12.000 ki-ốt trên toàn quốc. |
Về vấn đề chất lượng và an toàn sản phẩm, chúng tôi đảm bảo các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng được in rõ ràng trên bao bì và chính sách thu lại các sản phẩm chưa bán hết trên thị trường đúng thời điểm. Bánh trung thu Kinh Đô được phân phối hơn 12.000 ki-ốt trên khắp toàn quốc. Do đó, quản lý các điểm bán này và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm là hai trong những ưu tiên hàng đầu.
Chúng tôi đã xuất khẩu bánh trung thu Kinh Đô sang Mỹ, đưa bánh trung thu Oreo đến thị trường Singapore và Thái Lan. Việc liên tục xuất khẩu bánh trung thu sang Mỹ đều đặn trong 11 năm qua là minh chứng cho thấy các sản phẩm bánh trung thu Kinh Đô luôn được người tiêu dùng đón nhận. Mondelez Kinh Đô tin rằng bánh trung thu Kinh Đô không chỉ là một món ăn mà còn như một món quà nhắc nhớ về truyền thống đối với cộng đồng người châu Á tại Mỹ.