Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến lược khiêu khích của Trung Quốc về vụ kiện Biển Đông

Đối mặt với áp lực về phán quyết trong vụ kiện Biển Đông mà tòa án quốc tế sắp đưa ra, Trung Quốc thực hiện kế hoạch tuyên truyền tỏ ra "bất cần" và khiêu khích.

Hồi cuối tháng 6, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan cho biết họ sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 12/7 đối với vụ kiện Biển Đông do Philippines đệ đơn kể từ đầu năm 2013.

Khi đó, Philippines kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Manila tranh luận rằng yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là không có hiệu lực vì nó vi phạm UNCLOS về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và hải phận. Vụ kiện còn liên quan tới hàng chục mỏm đá, đảo san hô, bãi cát và đá ngầm, ví dụ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Trung Quốc "bất cần"

Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Liu Xiaoming, tỏ ra bình thản nói với Reuters rằng: "Chúng tôi không biết, thực tế là chúng tôi không quan tâm rằng khi nào tòa này sẽ ra phán quyết. Vì dù họ có quyết định thế nào thì quan điểm của Bắc Kinh là điều này hoàn toàn sai".

"Phán quyết sẽ không có tác động nào với Trung Quốc, về chủ quyền của chúng tôi đối với các rạn san hô hoặc các quần đảo. Đây cũng sẽ là một điển hình sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ không chiến đấu ở tòa án, nhưng chắc chắn sẽ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền", ông Liu ngang ngược nói.

phan quyet vu kien bien Dong anh 1
Tàu chiến của Trung Quốc. Ảnh: Sina

 

 

Kế hoạch của Bắc Kinh là phớt lờ phán quyết của PCA đều dẫn đến 2 tác động: sự bác bỏ một trật tự luật pháp quốc tế, và thách thức trực tiếp đối với Mỹ, khi Washington cho rằng việc Trung Quốc phát triển các cơ sở phục vụ mục đích quân sự và dân sự là mối đe dọa với sự ổn định.

Do vậy, việc Mỹ xử lý những diễn biến phát sinh từ phán quyết như thế nào sẽ được xem là cách siêu cường này thể hiện uy tín đối với khu vực. Các nhà quan sát quan hệ Trung Quốc - phương Tây cho rằng phán quyết của PCA không chỉ về tranh chấp ở Biển Đông, mà nó mang ý nghĩa rộng lớn hơn khi đặt trong căng thẳng Trung - Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Điều này phơi bày vai trò số 1 của Mỹ đang suy yếu. Trung Quốc có được sự ảnh hưởng khi chứng tỏ Mỹ không còn có thể ra lệnh cho các hành động của họ", Zhang Baohui, chuyên gia tại Đại học Lingnan (Hong Kong, Trung Quốc), nói.

Chiến lược khiêu khích và đánh lừa dư luận

Đại sứ Liu cáo buộc rằng một số nước trong tranh chấp đã trở nên mạnh mẽ hơn, "dám" thách thức với Trung Quốc vì họ nghĩ đã có Mỹ đứng bên cạnh. "Các nước này có thể cho rằng Mỹ sẽ hỗ trợ họ, và họ sẽ có lợi thế tốt hơn khi thảo luận với chúng tôi. Do vậy tôi rất nghi ngờ động cơ của nước Mỹ".

phan quyet vu kien bien Dong anh 2
Trung Quốc bồi lấp trái phép các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: WSJ

Song song với các tuyên bố phủ nhận phán quyết của PCA, Bắc Kinh cũng nỗ lực thực hiện một chiến dịch tuyên truyền quy mô quốc tế để quảng bá quan điểm của mình. Trung Quốc đã tổ chức hàng loạt cuộc họp mặt với các nhà ngoại giao, nhà báo; đăng bài bình luận, bài phân tích chuyên gia trên các tờ báo lớn của thế giới. "Manila không có cơ sở gì để chống đỡ", một bài viết trong ấn phẩm phiên bản New Zealand đầu tiên của tờ China Daily viết.

Các nhà ngoại giao châu Á và phương Tây thì cho biết, những đồng nghiệp Trung Quốc của họ luôn tìm cách nêu lên vấn đề này mọi lúc mọi nơi. "Họ rất quyết liệt. Chúng tôi chưa từng chứng kiến tinh thần như vậy trong nhiều năm qua", một nhà ngoại giao phương Tây nói.

Trung Quốc tuyên bố 40 quốc gia đã ủng hộ quan điểm của nước này, rằng tranh chấp chỉ nên giải quyết bằng đàm phán song phương chứ không phải đưa ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ mới 8 nước tuyên bố công khai như vậy.

Trong khi đó, Anh, Australia, Nhật Bản là những nước có ảnh hưởng trên thế giới đã cùng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế. Washington cũng nỗ lực thúc giục các nước Đông Nam Á hình thành lập trường chung về vấn đề này, dù thành công đến nay vẫn còn hạn chế.

Các nhóm và liên minh như G7, Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên trong vụ kiện phải tuân thủ phán quyết của PCA, khẳng định đây là một phán quyết mang tính ràng buộc.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, Trung Quốc có thể phản ứng tiêu cực trước phán quyết, khi tăng cường các hoạt động xây dựng và tiến hành những động thái quân sự mới nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này. Những động thái đó bao gồm triển khai thêm máy bay chiến đấu và tên lửa ra các đảo nhân tạo; thành lập Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông; hoặc xây dựng mới ở các bãi cạn của Philippines mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

G7 sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết vụ kiện Biển Đông

Các quốc gia nhóm G7 sẽ ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết về vụ kiện Biển Đông của tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm