Vào những năm 1960, các gia đình ở Phần Lan thường tích trữ thực phẩm trong nhà - được biết đến với thuật ngữ kotivara - với một tâm niệm rằng mỗi người dân đều chuẩn bị trước nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Hiện nay, khi xung đột tại Ukraine đã kéo dài 6 tháng, và Phần Lan đang trên đường gia nhập liên minh quân sự NATO, nhiều người trong nước đang khơi lại lối sống từ thế kỷ trước.
“Mẹ tôi rất cẩn thận về điều đó, rằng bạn phải luôn có đồ ăn dự trữ ở nhà”, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói trong một buổi phỏng vấn.
Phần Lan từng xung đột với Liên Xô vào năm 1939, và điều này càng củng cố thêm triết lý tự lực cánh sinh trước các mối đe dọa tiềm tàng.
"Người Phần Lan luôn coi trọng an ninh, và xung đột ở châu Âu lúc này, tôi nghĩ mọi người càng muốn hướng đến việc đảm bảo an ninh", ông Haavisto nói.
Phần Lan có thể tự lực, nhưng sẽ không còn đơn độc nếu trở thành một phần của NATO. Helsinki đang trong quá trình xét duyệt và phải cần cái gật đầu của 30 thành viên NATO, bao gồm một số quốc gia vẫn còn dè dặt như Thổ Nhĩ Kỳ hay Hungary.
Các quan chức Phần Lan cho biết kinh nghiệm của nước này trong việc ứng phó trước nguy cơ một cuộc chiến tiềm tàng có thể mang lại giá trị cho liên minh.
“Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhiều quốc gia đã phát triển quân đội hướng tới các hoạt động gìn giữ hòa bình trên khắp thế giới. Chúng tôi đã không làm điều đó”, ông Timo Kivinen, tham mưu trưởng quân đội Phần Lan, nói. "Chúng tôi tập trung vào bảo vệ quê hương".
Bản CV ấn tượng
Phần Lan có quy định chung cho nam giới và phụ nữ có thể tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Dù không tham gia các liên minh chính thức trong nhiều thế kỷ qua, nước này đã hợp tác chặt chẽ với NATO trong nhiều hoạt động kể từ những năm cuối thế kỷ XX.
Trước khi có quyết định gia nhập NATO, Phần Lan đã đặt mua lô tiêm kích F-35 của Mỹ. Đến tháng 4, chính phủ Phần Lan cho biết sẽ bổ sung 2,2 tỷ euro vào ngân sách quốc phòng - điều sẽ đưa chi tiêu quốc phòng của đất nước vượt hơn 2% GDP, đáp ứng mức tiêu chuẩn của NATO.
Xe tăng Phần Lan trong đợt tập trận mang tên "Cold Response 2022" hồi tháng 3, có sự tham gia của 30.000 quân NATO, Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: Reuters. |
Ông Kivinen cũng nói rằng đất nước có kinh nghiệm hoạt động trong môi trường Bắc Cực, cùng nhiều năm tranh chấp không phận với Moscow sẽ là những bài học Helsinki có thể đóng góp cho NATO.
"Chúng tôi là nước cung cấp an ninh, nghĩa là chúng tôi sẽ tăng cường an ninh khi là thành viên NATO, không phải nước chỉ nhận hỗ trợ an ninh", ông Kivinen nói.
Việc Phần Lan từ bỏ vị thế trung lập đã khiến nhiều người trong và ngoài nước bất ngờ. Theo khảo sát của Ban Cố vấn Thông tin Quốc phòng Phần Lan, sự ủng hộ đối với truyền thống không liên kết đã giảm sút sau xung đột tại Ukraine.
Đến nay, tỷ lệ ủng hộ không liên minh đã giảm từ 50% xuống còn 20%, trong khi ủng hộ đất nước gia nhập NATO đã tăng từ 25% lên 68%.
“Một năm trước, nếu ai đó hỏi liệu Phần Lan có nộp đơn gia nhập NATO hay không, câu trả lời của tôi là điều đó rất khó xảy ra, hoặc phải có một sự việc rất quan trọng khiến thay đổi lập trường”, Ông Haavisto nói. “Và điều đó đã xảy ra vào tháng 2”, khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự”.
Bên cạnh gia nhập NATO, Phần Lan cũng cam kết hỗ trợ Ukraine trong xung đột. Helsinki đã có nhiều đợt viện trợ quân sự cho Kyiv, dù chính phủ không nêu chi tiết các gói viện trợ này gồm những gì. Trong tháng này, Phần Lan cũng đồng ý tham gia huấn luyện binh sĩ Ukraine do Anh dẫn dắt, ông Kivinen nói.
Trong khi đó, ông Haavisto hoan nghênh việc các bên đã đạt thỏa thuận để xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng biển của Ukraine, nói rằng đây là một chút “ánh sáng cuối đường hầm” của các cuộc đàm phán.
“Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của Ukraine là giành lại những lãnh thổ của họ”, ông nói thêm.
Hướng đến mục tiêu lâu dài
Việc tiến trình gia nhập NATO, các quan chức nói rằng họ không trông đợi quân đội sẽ có sự thay đổi ngay lập tức. “Nó có thể mất nhiều năm để đóng góp vào cấu trúc quân sự của NATO về mục tiêu và quy mô binh lính”, tham mưu trưởng Kivinen nói.
Tuy vậy, Phần Lan sẽ ngay lập tức được bảo vệ theo Điều 5 một khi chính thức là thành viên NATO, theo đó Helsinki có thể yêu cầu đồng minh hỗ trợ trong trường hợp bị tấn công.
Tàu chiến NATO neo đậu tại cảng Turku, Phần Lan trước đợt tập trận hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Biên giới NATO khi đó sẽ được mở rộng và càng gần Nga, điều có thể khiến Moscow lo ngại. Song cho tới nay, Moscow vẫn chưa có hành động quân sự khiêu khích, theo ông Juha-Pekka Keränen, Tư lệnh Không quân Phần Lan.
“Trên thực tế, tôi có thể nói rằng họ (Nga) đang cư xử tốt đối với Phần Lan”, ông nói.
Tham mưu trưởng Kivinen cho biết mặc dù hai nước đã cắt đứt phần lớn hợp tác quân sự kể từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014, hai bên vẫn duy trì đường dây nóng để liên lạc với nhau nhằm giải quyết những xung đột tiềm tàng trên không và trên biển.
Ngay cả khi chuẩn bị gia nhập liên minh phương Tây, nội bộ Phần Lan cũng không ngừng chuẩn bị trước một kịch bản xảy ra chiến tranh.
“Nếu các vị đến ga điện ngầm Hakaniemi, mọi người sẽ thấy được hầm trú bom lớn nhất Phần Lan, nơi phần đông người dân sẽ an toàn”, ông Haavisto nói. “Điều được mọi người đánh giá cao là trong những năm hòa bình, chúng tôi vẫn duy trì quân đội ở trạng thái tốt”.