Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau quyết định đột phá của Thổ Nhĩ Kỳ?

Sau nhiều tuần bế tắc, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý bật đèn xanh để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đánh dấu bước ngoặt cho cục diện an ninh châu Âu.

Thuy Dien Phan Lan gia nhap NATO anh 1

Rào cản lớn cuối cùng đối với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được gỡ bỏ khi Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ quyền phủ quyết vào ngày 28/6.

Bước đột phá này diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid - một trong những cuộc họp được xem là có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử của liên minh quân sự.

Theo CNN, sau động thái này, hai quốc gia trên sẽ nhanh chóng trở thành thành viên NATO, củng cố sườn phía đông của khối sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự" Ukraine.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ “bật đèn xanh”?

Thụy Điển và Phần Lan đều tuyên bố ý định gia nhập NATO vào tháng 5, sau khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine khiến hai nước đột ngột thay đổi thái độ theo đuổi chính sách “trung lập".

Tuyên bố này sau đó được hầu hết nhà lãnh đạo NATO hoan nghênh, nhưng vấp phải một trở ngại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông không xem xét việc cả hai nước gia nhập NATO một cách "tích cực", cáo buộc đây là nơi chứa các tổ chức khủng bố "người Kurd".

Theo quy định của NATO, chỉ một quốc gia thành viên cũng có thể phủ quyết tư cách gia nhập của nước nộp đơn.

Tuy nhiên, bước đột phá ngoại giao lớn giữa ba nước đã diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid hôm 28/6.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết Ankara đã ký bản ghi nhớ với Helsinki và Stockholm về việc ủng hộ hai quốc gia này vào NATO. Đổi lại, Phần Lan và Thụy Điển đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt sau khi Ankara mở chiến dịch ở Syria năm 2019.

Ngoài vấn đề cấm vận vũ khí, Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển có quan điểm cứng rắn hơn với các nhóm vũ trang người Kurd mà Ankara coi là các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức mang tên Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoạt động ở Trung Đông.

Theo Guardian, thỏa thuận ba bên có nội dung khẳng định Phần Lan và Thụy Điển sẽ "mở rộng sự hỗ trợ đầy đủ của họ" đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề an ninh quốc gia.

Các nước Bắc Âu cũng chấp nhận coi PKK là một tổ chức khủng bố. Ngoài ra, họ cam kết không cung cấp hỗ trợ cho đảng Liên minh Dân chủ Người Kurd (PYD) và các nhóm Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) từng sát cánh cùng phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Phần Lan và Thụy Điển cũng cam kết “giải quyết các yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nghi phạm khủng bố một cách nhanh chóng và triệt để”.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao thỏa thuận này và sau đó cho biết Ankara đã "có được những gì mình muốn".

"Ở NATO, chúng tôi chứng tỏ rằng bất kể sự khác biệt là gì, chúng tôi luôn có thể ngồi lại, tìm ra điểm chung và giải quyết mọi vấn đề. Chính sách mở cửa của NATO là một thành công lịch sử", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các nhà báo tại Madrid.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hôm 29/6, NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. Lời mời này đã khởi động tiến trình trở thành thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển gồm 7 bước.

Một trong những thời điểm quan trọng nhất trên con đường gia nhập là cuộc đàm phán giữa NATO và các nước ứng cử viên. Các quốc gia ứng cử viên phải cam kết chấp nhận những nghĩa vụ với tư cách thành viên của liên minh. Sau đó, khối sẽ ký kết Nghị định thư gia nhập, trước khi chính phủ các nước thành viên NATO phê chuẩn riêng lẻ.

“Chúng tôi cần trải qua một quy trình phê chuẩn tại 30 quốc hội. Điều đó tốn mất một khoảng thời gian”, ông Stoltenberg giải thích. “Nhưng chúng tôi mong đợi nó diễn ra nhanh chóng vì các đồng minh sẵn sàng nỗ lực để quá trình phê chuẩn diễn ra nhanh nhất có thể”.

Cuối cùng, sau khi tất cả chính phủ chấp thuận, các thành viên NATO sẽ thông báo với chính phủ Mỹ - nơi lưu ký Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập NATO - và Tổng thư ký NATO sẽ mời các nước tham gia liên minh.

Những nước này chính thức trở thành thành viên của khối khi quốc kỳ của họ được treo bên ngoài trụ sở NATO ở Brussels.

Quá trình phê chuẩn gia nhập thường mất khoảng một năm, kể từ khi Nghị định thư được ký kết cho đến khi các quốc gia ứng viên chính thức tham gia Hiệp ước Washington.

Lý do hầu hết quốc gia gia nhập NATO là vì Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Theo đó, đây là nền tảng của liên minh kể từ khi khối được thành lập vào năm 1949, quy định cuộc tấn công vũ trang chống lại một thành viên NATO sẽ bị xem là tấn công vào toàn bộ NATO.

Điều 5 đảm bảo các nguồn lực của liên minh - bao gồm quân đội của Mỹ - có thể được huy động để bảo vệ bất cứ quốc gia thành viên nào, chẳng hạn Iceland không có quân đội thường trực.

Chia sẻ với CNN, cựu lãnh đạo Thụy Điển Carl Bildt không cho rằng các căn cứ quân sự lớn mới sẽ được xây dựng ở một trong hai quốc gia nếu họ gia nhập. Thay vào đó, việc tham gia liên minh có thể đồng nghĩa với việc lập kế hoạch và huấn luyện quân sự chung giữa Phần Lan, Thụy Điển và 30 nước thành viên hiện tại.

Các lực lượng của Thụy Điển và Phần Lan cũng có thể tham gia vào những hoạt động khác của NATO trên toàn cầu, như ở các nước Baltic - nơi một số căn cứ có quân đội đa quốc gia.

“(Các nước) sẽ có sự chuẩn bị để sẵn sàng cho trường hợp bất thường, như một phần để ngăn chặn bất cứ chiến dịch nào mà Nga có thể đang nghĩ đến”, ông Bildt nói. "(Tuy nhiên), sự thay đổi thực tế sẽ khá hạn chế”.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo

Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi bước đột phá trong tiến trình gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết động thái này đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng NATO đang đoàn kết và lớn mạnh.

“Quyết định rời bỏ quan điểm truyền thống trung lập để gia nhập liên minh NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”, ông Biden nói.

"Chúng tôi đang gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn rằng NATO mạnh mẽ, đoàn kết và các động thái trong hội nghị thượng đỉnh (Madrid) sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh tập thể của chúng tôi", ông cho biết thêm.

Tổng thống Mỹ cũng nhận định việc hai nước Bắc Âu gia nhập là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu của Nga đã bị phản tác dụng.

“(Moscow) đang tìm kiếm Phần Lan hóa ở châu Âu. (Nhưng họ) sẽ đạt được NATO hóa châu Âu”, ông nói. “Đó chính xác là điều Nga không mong muốn, nhưng là những gì cần phải làm để đảm bảo an ninh cho châu Âu”.

Động thái này cũng nhận được sự hoan nghênh của các quốc gia khác ở mặt trận phía đông của NATO. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng bước đi này là "quan trọng" và Tổng thống Litva Gitanas Nausėda gọi đây là "tin tuyệt vời".

Tuy nhiên, ngày 28/6, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẽ đặt nhiều vũ khí hạt nhân "sát cửa ngõ" Thụy Điển, Phần Lan khi hai nước gia nhập NATO.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin hôm 29/6 cho biết Nga cảm thấy “không có vấn đề gì” với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Dù vậy, "nếu lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở đó, chúng tôi có nghĩa vụ phải phản ứng tương xứng và đưa ra các mối đe dọa tương tự với những vùng lãnh thổ gây nguy hiểm cho chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Video trực thăng tấn công Mi-35 của Nga phá hủy xe bọc thép Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/6 tung video trực thăng tấn công đa nhiệm Mi-35 đã tập kích tên lửa vào các đồn chỉ huy và xe bọc thép của quân đội Ukraine.

Ông Putin phản ứng với NATO sau quyết định về Phần Lan và Thụy Điển

Tổng thống Vladimir Putin hôm 29/6 cho biết Nga cảm thấy “không có vấn đề gì” với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Anh công bố gói viện trợ quân sự lên tới 1,2 tỷ USD cho Ukraine

Chính phủ Anh hôm 29/6 thông báo nước này sẽ cung cấp thêm 1,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm giúp Kyiv nâng cao khả năng phòng thủ.

Minh An

Bạn có thể quan tâm