Gần nửa thế kỷ trước, biệt đội 8 tay súng Palestine mang mật danh “Tháng Chín Đen” đã vượt rào, đột kích vào Làng Olympic ở Munich (Đức), tiến về khu nhà ở của đội Israel.
Sau một loạt sự kiện bạo lực, kết hợp với những sai lầm của các cơ quan an ninh Đức, 11 người Israel đã thiệt mạng. Vụ việc gây ra sự thất vọng sâu sắc đối với người Do Thái, nhất là khi vụ thảm sát Holocaust xảy ra trước đó chưa đầy ba thập kỷ.
“Đó là một cú sốc thực sự đối với người dân Israel”, Ehud Barak, cựu Thủ tướng Israel, người vào thời điểm đó từng lãnh đạo một đơn vị quân đội tinh nhuệ, nhớ lại.
“Sự kết hợp giữa bản chất vụ ám sát, sự bất lực của các vận động viên bị tấn công và thực tế là nó xảy ra ở trên đất Đức đã gây ra sự chấn động lớn”, ông nói với AFP.
Sau khi vụ khủng bố Munich xảy ra, cơ quan tình báo Mossad của Israel ngay lập tức bắt tay vào chiến dịch “Sự phẫn nộ của Chúa”, truy lùng và ám sát những thủ lĩnh cấp cao được cho là có liên quan. Họ bí mật nhắm vào kẻ thù của Israel ở nước ngoài. Những chiến dịch này được cho là chưa kết thúc hoàn toàn.
6 trong số 11 thành viên đội Olympic Israel đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Munich. Ảnh: AFP. |
Cuộc trả thù công phu
Ông Barak nói rằng vụ giết người gây ra “nỗi buồn sâu sắc và sự phẫn nộ” cho người Israel. Điều này dẫn đến động lực phối hợp để “trả thù, giết những kẻ liên quan”, ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự trong tương lai.
Hai ngày sau vụ thảm sát, một chiến dịch bí mật được lãnh đạo bởi người đứng đầu Mossad khi đó là Zvi Zamir, Thủ tướng Golda Meir và cố vấn chống khủng bố Aharon Yariv.
“Ban đầu, sau vụ Munich, Golda Meir không biết phải làm gì. Hai chuyên gia về an ninh đã đến gặp bà Meir”, nhà sử học Michael Bar-Zohar cho biết.
“Họ rụt rè, ăn mặc lịch sự và khẳng định rằng: Bây giờ chúng ta phải tiêu diệt Tháng Chín Đen”, ông nói.
Cả ba người nhận thức được rằng không thể săn lùng tất cả các thành viên Tháng Chín Đen. Thay vào đó, họ đã nghĩ ra một chiến lược “đập đầu rắn”, tiêu diệt ban lãnh đạo của nhóm.
Bà Golda thực sự do dự khi tính đến chiến lược này. Liệu bà có nên cho phép thực hiện các vụ ám sát trên khắp châu Âu và Trung Đông hay không.
Trong vài tháng tiếp theo, những người đứng đầu Tháng Chín Đen và đồng minh từ Tổ chức Giải phòng Palestine (PLO) liên tục mất mạng trong những hoàn cảnh rất bí ẩn ở Rome, Paris và Cyprus.
Trong số các mục tiêu, có ba người Palestine bị tiêu diệt ở Beirut vào tháng 4/1973 bởi một đội đặc nhiệm cải trang thành phụ nữ.
Một trong những đặc vụ cải trang bằng đồ trang điểm và ngực giả là Ehud Barak. Khi đó, ông là chỉ huy của đơn vị Sayeret Matkal được triển khai để tiêu diệt Mohammed Youssef al-Najjar, Kamal Adwan và Kamal Nasser.
Hai sĩ quan cảnh sát Tây Đức đột nhập nơi kẻ khủng bố giữ các con tin người Israel. Ảnh: AP. |
Đội đặc nhiệm di chuyển bằng tàu hải quân, sau đó chuyển sang tàu cao tốc nhỏ để đến Beirut. Tại đây, họ gặp các đặc vụ Mossad và sử dụng những chiếc xe cho thuê nhằm đóng giả làm khách du lịch.
Các đặc vụ dự đoán rằng một nhóm thanh niên hơn 10 người đi bộ qua một khu vực cao cấp của Beirut có thể làm dấy lên sự nghi ngờ.
“Vì vậy, chúng tôi quyết định một số người sẽ cải trang thành phụ nữ. Tôi là chỉ huy đơn vị, nhưng lúc đó tôi có khuôn mặt trẻ thơ, vì vậy tôi thuộc nhóm phụ nữ”, cựu thủ tướng Barak, hiện 80 tuổi, nói.
“Tôi là một cô gái tóc nâu, không phải là tóc vàng, với son môi và mắt đánh màu xanh lam. Chúng tôi lấy vài đôi tất quân đội để độn ngực”, ông nhớ lại.
Bốn đặc vụ cải trang thành phụ nữ mặc quần ống rộng, giấu vũ khí trong áo khoác và túi xách, đồng thời trang bị lựu đạn và chất nổ. Họ chia thành các nhóm nhỏ và tiến về phía nhà các mục tiêu.
Tuy nhiên, nhóm đặc nhiệm vấp phải hỏa lực mạnh. Tổng cộng 2 người Israel, 3 người Palestine và một số thường dân Lebanon thiệt mạng.
Vài giờ sau, Barak trở về nhà ở Israel. Vợ ông rất tò mò về phấn mắt và son môi cải trang.
“Tôi không thể nói với vợ. Cô ấy bật radio và có các cuộc thảo luận về những gì đã xảy ra”, cựu thủ tướng nói.
Săn lùng “Hoàng tử Đỏ”
Những thành công ban đầu có thể đã khiến Israel quá tự tin và vấp phải nhiều thất bại sau đó.
Ba tháng sau chiến dịch Beirut, Mossad tin rằng họ đã xác định được vị trí của Ali Hassan Salameh, hay còn được gọi là “Hoàng tử Đỏ”, là người đứng đầu Tháng Chín Đen. Israel cử đội đặc nhiệm đến thị trấn Lillehammer của Na Uy, nhưng lại ám sát nhầm nhân viên phục vụ người Maroc Ahmed Bouchikhi.
“Đội đặc nhiệm đã quá tin tưởng bản thân. Họ đến Lillehammer với thông tin sai lệch. Họ khá chắc chắn rằng đây là một vụ ám sát thông thường, bỏ qua tất cả các bằng chứng chứng minh đó không phải là mục tiêu”, Bar-Zohar cho biết.
“Ví dụ, họ thấy rằng người đàn ông mà họ đang theo dõi sống trong một khu phố xuống cấp, đi xe đạp và đi một mình đến bể bơi. Một thủ lĩnh khủng bố không làm điều đó”, tác giả của một loạt sách về tình báo Israel nói thêm.
Hiện trường vụ ám sát Hassan Salameh. Ảnh: AP. |
Sau khi giết nhầm người, ba đặc vụ Israel đã bị cảnh sát bắt giữ và phải ngồi tù 22 tháng. Không nản lòng, Mossad đã thúc đẩy một chiến dịch kéo dài nhiều năm để gài bẫy Salameh.
Israel đã triển khai một đặc vụ có tên mã là “D” tới Beirut. Tại đây, đặc vụ đã kết bạn với Salameh và vợ Georgina Rizk, người từng giành vị trí cao nhất trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 1971.
Trong một bộ phim tài liệu năm 2019, D đã mô tả thời gian hoạt động bí mật tại Beirut là “cuộc sống thực sự”. Ông thường xuyên lui tới một câu lạc bộ thể thao với Salameh, tìm hiểu thói quen và cách di chuyển của hắn.
“Tôi đồng thời coi hắn ta là một người bạn và một kẻ thù truyền kiếp. Điều đó không dễ dàng. Trong sâu thẳm, tôi biết rằng hắn phải chết”, D nói.
Vào tháng 1/1979, gần 5 năm sau khi chiến dịch bắt đầu, Salameh thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở Beirut.
Tìm mục tiêu mới
Vụ ám sát thành viên hàng đầu của Tháng Chín Đen không khiến chiến dịch giết chóc kết thúc. Thay vào đó, Israel chuyển sang các mục tiêu khác, chẳng hạn như những người bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho cuộc nổi dậy Intifada đầu tiên, hoặc các mục tiêu từ Iran, kẻ thù không đội trời chung.
Ronen Bergman, tác giả cuốn sách “Rise and Kill First” về các vụ giết người có chủ đích của Israel, cho biết cuộc tấn công Munich khiến Israel nhận ra “sẽ không có ai” bảo vệ lợi ích và công dân nước mình.
“Có một mối liên hệ trực tiếp giữa những gì xảy ra khi đó và những gì chúng ta đang thấy. Israel sử dụng các vụ giết người có chủ đích như một trong những vũ khí chính nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”, ông nói.
Bergman chỉ ra cái chết của nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ông được cho là bị lực lượng Israel ám sát bên ngoài Tehran gần 2 năm trước.
Quan tài các nạn nhân của vụ thảm sát Munich tại một nhà thờ Do Thái. Ảnh: AP. |
Tác giả cuốn sách cho rằng các vụ ám sát của Israel “thực sự hiệu quả” khi nhắm đến các tổ chức chống lại người Israel. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một cuộc tranh luận về mức độ hiệu quả của những vụ ám sát nhà khoa học bắt đầu từ năm 2007.
“Những điều đó rất khó lường, nhưng rõ ràng là Israel đang tiếp tục với cùng một chính sách”, ông nói.
Israel cáo buộc Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Tehran phủ nhận hoàn toàn. Israel cũng kịch liệt phản đối các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Rất ít dấu hiệu cho thấy “cuộc chiến trong bóng tối” giữa Israel với Iran, cũng như các hoạt động ám sát bí mật của Mossad, sẽ sớm kết thúc. Đầu năm nay, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết đất nước của ông sẽ làm “bất cứ điều gì phải làm để ngăn chặn Iran có được năng lực hạt nhân”.