Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến hạm siêu tàng hình giúp Mỹ thống trị đại dương

Sự xuất hiện của siêu khu trục hạm số 1 thế giới USS Zumwalt sẽ mở ra kỷ nguyên mới về tác chiến trên biển.

Khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt được coi là tàu khu trục số 1 thế giới.
Khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt được coi là tàu khu trục số 1 thế giới.

DDG 1000 USS Zumwalt chuẩn bị hoàn thiện

Theo trang thông tin Khoa học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, việc chế tạo tàu khu trục tương lai đầu tiên DDG 1000 USS Zumwalt, thuộc lớp Zumwalt của hải quân Mỹ đang tiến triển thuận lợi và đã hoàn tất hơn 90% khối lượng công việc và chuẩn bị được biên chế chính thức trong lực lượng hải quân nước này.

Các chuyên gia đánh giá tàu khu trục tương lai của hải quân Mỹ lớp Zumwalt là thế hệ tàu khu trục lớn nhất, tiên tiến nhất của Mỹ cũng như toàn thế giới. Đây là lớp tàu dùng để tiến công các mục tiêu trên bờ và mặt đất, cũng như để tác chiến phòng không và chi viện hỏa lực từ ngoài biển. Ngoài ra, Zumwalt sẽ còn có thể làm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Theo số liệu của nhà máy, DDG 1000 đã hoàn thành 90% công việc và đội ngũ nhân viên của công ty Raytheon đang tích hợp và thử nghiệm hệ thống trên tàu. Việc chế tạo DDG 1001 Michael Monsoor và DDG 1002 USS Lyndon B. Johnson cũng đang tiến triển và lần lượt hoàn thành 78% và 80% kế hoạch.

Pháo quỹ đạo điện từ trên DDG-1000.
Pháo quỹ đạo điện từ trên DDG-1000.

Nhân viên kỹ thuật của các nhà thầu chế tạo và thiết kế hệ thống gần đây đã kết nối nhiều phần mềm hệ thống máy tính với trang thiết bị trên tàu, đáp ứng yêu cầu của các cột mốc then chốt trong dự án và đạt năng lực tác chiến ban đầu (IOC). 

Cho đến nay, hơn 55 thủy thủ tàu tiếp nhận đào tạo hệ thống này, 85 thủy thủ nhận huấn luyện thao tác hệ thống TSCE. Kế hoạch huấn luyện các sĩ quan chỉ huy và thủy thủ khác cũng được tiến hành đồng bộ trên tàu.

USS Zumwalt được trang bị các công nghệ đem lại nhiều lợi thế cho hải quân Mỹ, trong đó nổi bật nhất là “Hệ thống máy tính tích hợp” toàn bộ con tàu và một mạng lưới an toàn độc lập kiểm soát mọi hệ thống tác chiến từ radar đến vũ khí. Nó cho phép hạm trưởng có thể kiểm soát hệ thống từ mọi khu vực trên tàu.

DDG 1000 được triển khai đóng tại nhà máy Bath Iron Works.
DDG 1000 được triển khai đóng tại nhà máy Bath Iron Works.

Theo dự kiến, hải quân Mỹ đóng 7 khu trục hạm lớp Zumwalt, nhưng do công nghệ quá tiên tiến, chi phí chế tạo đắt đỏ, dự tính giá mỗi chiếc lên tới hơn 3 tỷ USD, nên kế hoạch này đã được rút xuống còn 3 tàu. Các tàu này đều được đóng tại nhà máy đóng tàu Bath Iron Works.

Tính năng của siêu khu trục hạm hàng đầu thế giới

Bốn nhà thầu chính tham gia thiết kế và chế tạo tàu khu trục lớp Zumwalt. Trong đó, công ty Bath Iron phụ trách thiết kế, chế tạo, tích hợp, kiểm tra và bàn giao. Nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries phụ trách chế tạo kết cấu tầng thượng bằng composite của DDG-1000 và DDG-1001 và hệ thống phóng ở phía ngoài phần đuôi.

Hai nhà thầu còn lại là Công ty Raytheon phụ trách phát triển các hệ thống tác chiến, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống máy tính và phần mềm đồng thời đảm nhận tích hợp các hệ thống nhiệm vụ. Còn công ty BAE sẽ cung cấp các hệ thống pháo hạm và vũ khí tấn công đối đất tầm xa.

Thử nghiệm kháng chấn và kháng nổ của DDG 1000.
Thử nghiệm kháng chấn và kháng nổ của DDG 1000.

Tàu lớp Zumwalt có lượng giãn nước 14.564 tấn, dài 182,9 m, rộng 24,6 m, mớn nước 8,4 m, tốc độ tối đa 30 knot (55,6 km/h). Một thủy thủ đoàn trên tàu sẽ gồm 148 người. Với kích thước này, DDG-1000 hoàn toàn có thể xếp vào loại tàu tuần dương. Ngoài ra, khu trục hạm lớp Zumwalt còn mang theo tối đa hai máy bay trực thăng hải quân đa nhiệm Sikorsky SH-60 Sea Hawk và 3 UAV MQ-8 Fire Scout.

Hệ thống máy tính và tự động còn giúp tàu cần ít thủy thủ hơn so với các lớp khu trục hạm khác. Các tàu khu trục lớp Arleigh-Burke cần tới 210 thủy thủ, nhưng tàu lớp Zumwalt chỉ cần 130 thủy thủ để vận hành, cùng với 28 nhân viên không quân vận hành các hoạt động cất và hạ cánh của hai chiếc trực thăng tại bãi đáp trên tàu.

Tàu được thiết kế khả năng tàng hình tối ưu, toàn bộ hệ thống vũ khí, radar, điều khiển hỏa lực… trên tàu đều sử dụng năng lượng điện.

Về vũ khí, tàu được lắp đặt hệ thống 20 module phóng thẳng đứng Mk57 (mỗi module 4 ống phóng) chứa 80 quả tên lửa gồm nhiều loại khác nhau như tên lửa hành trình đối đất Tomhawk, tên lửa đối không tầm trung ESSMm, tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hạm đối hạm và tên lửa chống ngầm. Ngoài ra, tàu còn gồm hai súng máy Mk 110, cỡ nòng 57 mm. 

Trung tâm chỉ huy - điều khiển trên tàu.
Trung tâm chỉ huy - điều khiển trên tàu.

Đặc biệt, tàu được trang bị hai tháp pháo AGS 155 mm (ở ngay trước tháp chỉ huy), bắn đạn có điều khiển tầm xa LRLAP (Long Range Land Attack Projectile). Đạn pháo có điều khiển tầm xa LRLAP được xem là một cuộc cách mạng đối với pháo binh. Trọng lượng của nó là 11 kg và tầm bắn vươn tới 154 km với cơ số đạn lên tới 750 viên.

Tàu còn sở hữu thiết bị định vị tàu ngầm tích hợp của Raytheon, một hệ thống cảm biến chống ngầm và chống ngư lôi tối tân.

Trong tương lai, USS Zumwalt sẽ được tích hợp các công nghệ tiên tiến bậc nhất như súng điện từ nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh, vũ khí laser hiện quân đội Mỹ đang phát triển, radar hiện đại theo dõi tên lửa đạn đạo… Với tính năng tàng hình siêu hạng, hỏa lực mạnh mẽ và hệ thống chỉ huy, điều khiển, kiểm soát tiên tiến, Zumwalt được đánh giá là khu trục hạm số 1 thế giới.

Thế hệ tàu chiến “siêu tàng hình” DDG-1000 lớp Zumwalt đang được đóng sẽ có thể được sử dụng trong vai trò lực lượng nòng cốt của hải quân Mỹ trong nhiệm vụ áp sát bí mật vào vùng ven biển của Trung Quốc mà không bị phát hiện và thực hiện tấn công mục tiêu bằng pháo điện từ như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.

Mỹ đang trông đợi ngày siêu tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt xuất xưởng vì nước này đang đặt hy vọng lớn vào dự án có thể "chuyển hóa" chiến lược xoay trục sang châu Á. Mục tiêu cụ thể của chiến lược bao gồm việc điều động 60% lực lượng hải quân và 60% tổng số máy bay ở hải ngoại về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hạm đội chống ngầm Nga đuổi tàu ngầm Mỹ

Chiến hạm và máy bay chống ngầm thuộc biên chế Hạm đội Biển Bắc của Nga đã xuất kích để đuổi một tàu ngầm Mỹ tới gần lãnh hải Nga ở Bắc Cực.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ddg-1000-sieu-khu-truc-ham-giup-my-thong-tri-dai-duong-3051628/

Theo Thanh Tâm/Báo Đất Việt

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm