Thông tin được Reuters đăng tải hôm 18/5 dựa trên tiết lộ từ các quan chức Mỹ đương nhiệm hoặc đã nghỉ việc hiểu biết về vấn đề. Những cuộc trao đổi chưa từng công bố trước đây đang được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và các điều tra viên của Quốc hội xem xét.
6 lần liên hệ trong số đó là các cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak và các cố vấn của ông Donald Trump, bao gồm tướng Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia.
Nguồn tin của Reuters nói họ không thấy bằng chứng của việc sai phạm hay sự cấu kết giữa chiến dịch của ông Trump và Nga qua các cuộc trao đổi. Tuy nhiên, những tiết lộ này có thể gia tăng sức ép buộc ông Trump và đội ngũ phải cung cấp cho FBI và Quốc hội báo cáo đầy đủ về những lần trao đổi tương tự trong và ngay sau cuộc bầu cử.
Tổng thống Donald Trump và đội ngũ trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Theo nguồn tin, các cuộc trao đổi giữa ông Flynn và ông Kislyak gia tăng sau ngày bầu cử 8/11 để thảo luận về việc thiết lập một kênh hỗ trợ liên lạc giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc thiết lập kênh riêng nhằm qua mặt bộ máy an ninh quốc gia Mỹ mà theo ông Flynn và ông Kislyak vốn chống đối việc cải thiện quan hệ giữa Washington và Moscow.
Sau khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1, Nhà Trắng ban đầu phủ nhận thông tin rằng đội ngũ của ông từng liên lạc với quan chức Nga trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên sau đó, Nhà Trắng đã xác nhận 4 cuộc gặp giữa ông Kislyak và các cố vấn của ông Trump trong thời gian đó.
Hiện Nhà Trắng cũng như luật sư của ông Flynn chưa đưa ra bình luận. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow cũng từ chối bình luận, nói rằng đây là trách nhiệm của chính quyền Trump.
Những người từng làm việc trong các chiến dịch tranh cử tổng thống trước đây nói rằng việc liên lạc với quan chức nước ngoài không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, số lần liên lạc giữa đội ngũ của ông Trump và phía Nga là đặc biệt hiếm thấy.
"Thật là hiếm khi thấy nhiều cuộc điện thoại trao đổi với quan chức nước ngoài như vậy, đặc biệt là với một nước mà chúng ta xem là kẻ thù hay thế lực chống đối", Richard Armitage, cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ, chia sẻ.
Nguồn tin của Reuters cho hay những cuộc trao đổi nói trên tập trung vào việc cải thiện quan hệ kinh tế Nga - Mỹ vốn căng thẳng vì lệnh trừng phạt Washington áp đặt với Moscow, hợp tác đấu tranh chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như kiềm chế Trung Quốc vốn ngày càng bành trướng hơn.
Trong các cuộc trao đổi, quan chức Nga nhấn mạnh cách tiếp cận thực dụng kiểu "làm ăn" và khẳng định với đội ngũ của ông Trump rằng họ có thể thương lượng bằng việc tập trung vào vấn đề kinh tế cũng như những lợi ích khác và bỏ qua những vấn đề bất đồng.