Theo nghiên cứu được công bố vào ngày 17/5 trên tạp chí Nature Communications, chiếc răng của một đứa trẻ ít nhất 130.000 năm tuổi được tìm thấy trong hang Cobra (hay Tam Ngũ Hào 2), tại Lào. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học khám phá thêm thông tin về một nhánh họ hàng của loài người.
Theo các nhà khoa học, dựa trên các protein cổ đại, chiếc răng này thuộc về một đứa trẻ, có thể là nữ, trong độ tuổi từ 3,5 đến 8,5 tuổi, Guardian đưa tin.
Tuy nhiên, chiếc răng đã quá cũ để xác định niên đại bằng carbon phóng xạ và ADN không được bảo quản tốt do nhiệt độ và độ ẩm.
Sau khi phân tích hình dạng của chiếc răng, các nhà khoa học cho rằng rất có thể đó là người Denisovan sống cách đây từ 164.000 đến 131.000 năm.
Hình ảnh chiếc răng hàm được cho là của một đứa trẻ người Denisovan đã tuyệt chủng, tìm thấy trong hang Tam Ngũ Hào 2 ở Đông Bắc Lào. Ảnh: Reuters. |
Họ tiếp tục nghiên cứu phần bên trong răng thông qua các phương pháp khác nhau bao gồm phân tích protein và tái tạo tia X 3D.
“Các protein cho phép chúng tôi xác định giới tính và mối quan hệ với người tinh khôn”, ông Fabrice Demeter, nhà cổ nhân loại học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này chứng minh người Denisovan - một nhánh của loài người đã tuyệt chủng - từng sống ở vùng nhiệt đới của Đông Nam Á.
Đến nay, có rất ít thông tin về người Denisovan. Các nhà khoa học lần đầu phát hiện nhóm người này khi tìm thấy xương ngón tay của một cô gái trong hang động ở Siberia vào năm 2010.
Sau đó, vào năm 2019, họ tìm thấy một bộ xương hàm trên cao nguyên Tây Tạng, chứng minh người Denisovan cũng sống ở Trung Quốc.
Phát hiện mới nhất cho thấy người Denisovan xuất hiện ở nhiều khu vực tại châu Á và thích nghi với nhiều loại môi trường, từ khí hậu lạnh đến khí hậu nhiệt đới.