Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện mới về 'rồng biển' khổng lồ từ 205 triệu năm trước

Hóa thạch quý hiếm từ ba trong số các loài thằn lằn cá biển cuối kỷ Trias được tìm thấy ở Thụy Sĩ, trong đó có mẫu răng khổng lồ dài 10 cm.

Hóa thạch của một loài được gọi là "rồng biển" có bộ răng khổng lồ, được cho là để săn mực, đã được phát hiện ở dãy núi Alpes, Thụy Sĩ. Chúng là một trong ba loại sinh vật lớn được phát hiện tại đây, sống vào cuối kỷ Trias, khoảng 205 triệu năm trước, theo Guardian.

Ichthyosaurs là loài thằn lằn biển khổng lồ với hình dáng thuôn dài, giống như con rắn. Chúng xuất hiện lần đầu tiên sau sự kiện đại tuyệt chủng kỷ Permi, xảy ra cách đây khoảng 250 triệu năm, làm xóa sổ hơn 2/3 động vật trên cạn và 96% loài động vật biển.

khung long,  Trias,  hoa thach anh 1

Những con ichthyosaurs có kích thước bằng cá voi. Ảnh: University of Zurich.

Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện này đã giúp trả lời cho những câu hỏi hóc búa về việc liệu các loài ichthyosaurs khổng lồ có răng hay không.

Giáo sư Martin Sander từ Đại học Bonn, đồng chủ nhiệm của nghiên cứu này, cho biết: “Những manh mối rất ít ỏi, chúng ta chỉ biết là ichthyosaurs sống trong các đại dương cuối kỷ Trias, thậm chí còn không có thông tin mô tả hình dáng của chúng.

Chúng tôi từng đoán rằng loài "rồng biển" này có răng nhưng chưa từng tìm thấy bằng chứng nào. Và giờ đây, chúng tôi đã tìm ra mẫu răng của chúng".

Trên tờ Journal of Vertebrate Paleontology, nhóm nghiên cứu đã trình bày quá trình tìm kiếm hóa thạch từ loài sinh vật khổng lồ này tại các địa điểm khác nhau trong Địa tầng Kössen từ năm 1976 đến 1990.

Mẫu hóa thạch đầu tiên là một chiếc răng chưa hoàn chỉnh, dài 10 cm. Họ còn tìm thêm một đốt sống lưng khổng lồ kèm các mảnh xương sườn từ mẫu đốt sống khác. Hóa thạch tiếp theo có bảy đốt sống lớn. Ông Sander khẳng định không có mẫu nào là của chủng ichthyosaur đã biết.

Chiếc răng đã bị bể phần lớn phần thân răng, chỉ là chiếc thứ hai đến từ loài ichthyosaur khổng lồ và là chiếc răng lớn nhất từng được tìm thấy đối với một sinh vật cổ, lớn hơn cả những loài được gọi là Himalayasaurus, được phát hiện ở Trung Quốc. Cơ thể của chúng dài khoảng 15 m.

Ông Sander nói: “Ichthyosaurs có cấu trúc răng rất đặc trưng, ​​có thể nhận ra ngay ở chân răng và cả thân răng". Chúng có thể đã ăn các chủng ichthyosaurs nhỏ hơn và loài mực khổng lồ.

Nhưng chúng không phải là loài ichthyosaurs lớn nhất từng tồn tại. Trong các phát hiện khác, một chiếc xương hàm không răng được phát hiện ở kênh Bristol được cho là thuộc về một loài ichthyosaur dài khoảng 26 m.

Nếu như ichthyosaurs thường bơi lang thang khắp các đại dương, thì những phát hiện mới cho thấy chúng chết ở một khu đầm phá, nên có thể chúng đã sống trong vùng nước nông.

Theo tiến sĩ Ben Moon, một nhà sinh vật cổ học tại Đại học Bristol, có thể các sinh vật này đã đi vào vùng nước nông để giao phối hoặc sinh con.

Tiến sĩ Nick Fraser, một nhà sinh vật cổ học tại Bảo tàng Quốc gia Scotland, cho biết rất khó để xác định kích thước của một con ichthyosaur khổng lồ chỉ dựa vào một chiếc răng nhưng phát hiện này đã làm sáng tỏ thêm thông tin về loài thằn lằn cá biển này.

Ông nói: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn tin rằng các loài ichthyosaurs khổng lồ đều không có răng và phải hút thức ăn".

Cùng với hóa thạch của đốt sống và xương sườn, đây thực sự những là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy ichthyosaur khổng lồ, có thể to lớn như cá voi xanh hiện nay, và một số loài sở hữu bộ răng lớn".

Hóa thạch khủng long chết đúng ngày thiên thạch lao vào Trái Đất

Hóa thạch phần chân còn nguyên da của khủng long Thescelosaurus ở Bắc Dakota chết cách đây 66 triệu năm, khi thiên thạch rộng 12 km lao vào Trái Đất.

Bảo Châu

Bạn có thể quan tâm