Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đến Bình Nhưỡng hôm 18/9 để dự hội nghị thượng đỉnh liên Triều cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đây là lần thứ 3 lãnh đạo 2 miền Triều Tiên gặp nhau kể từ khi ông Moon nhậm chức tổng thống Hàn Quốc.
Tổng thống Moon nói trước chuyến đi rằng mục đích của ông lần này đến Bình Nhưỡng là tập trung đàm phán một thỏa thuận phi hạt nhân hóa cho Mỹ và Triều Tiên. Tuyên bố của ông, dù không phải một ràng buộc pháp lý, có thể dẫn đến nhiều hệ quả.
Giới phân tích nhận định Bình Nhưỡng có thể “leo thang” các điều kiện để đạt được hòa bình vĩnh viễn như mong muốn của Tổng thống Moon. Mục tiêu hàng đầu của Triều Tiên là giải tán sự tồn tại của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc quá vội vàng?
Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên 68 năm trước kết thúc bằng một hiệp định đình chiến ký kết vào năm 1953. Về mặt kỹ thuật, hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh. Trong nhiều thập kỷ, Bình Nhưỡng đã cố gắng tìm kiếm một hiệp định hòa bình với Washington như là một điều kiện để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Tổng thống Moon Jae In bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại sân bay Bình Nhưỡng. Ảnh: New York Times. |
Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 4, ông Moon đã đồng ý sẽ kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cùng với hai miền bán đảo Triều Tiên tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
“Đó sẽ là một tuyên bố chính trị, thể hiện ý chí chung để chấm dứt mối quan hệ thù địch, cùng nhau tồn tại trong hòa bình”, Tổng thống Moon nói vào tháng 7. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng tuyên bố như vậy sẽ khuyến khích Triều Tiên giải trừ hạt nhân trong lúc bớt được nỗi lo sợ về Mỹ.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim cho biết ông sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân ngay trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng với điều kiện Washington phải có các hành động đáp lại, bắt đầu với tuyên bố về việc chấm dứt chiến tranh.
Nhưng giữa Mỹ và Triều Tiên luôn có quá nhiều khác biệt. Khi Tổng thống Moon bắt đầu chuyến thăm 3 ngày đến Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Kim lần thứ 3, một trong những mục tiêu chính của ông là thu hẹp sự khác biệt này.
Tổng thống Moon nói rằng ông được cả Triều Tiên và Mỹ nhờ cậy trở thành “nhà đàm phán chính”. Việc phá vỡ sự bế tắc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể dẫn đến cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim. Nhưng nếu ông Moon thất bại, căng thẳng có thể leo thang trở lại trên bán đảo Triều Tiên.
Jean H. Lee, giám đốc mảng lịch sử Hàn Quốc, thuộc Trung tâm Wilson, nói với New York Times rằng: “Hàn Quốc muốn đi nhanh để thúc đẩy hòa giải với Triều Tiên, trong khi Mỹ thận trọng và muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa trước. Họ đang trong cuộc chơi rất khác nhau và nó rất có vấn đề”.
Mỹ muốn Triều Tiên đưa ra bằng chứng cụ thể về việc bắt đầu quá trình phi hạt nhân, gồm danh sách vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch cần loại bỏ, địa điểm các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa. Triều Tiên lại muốn Mỹ thực hiện tuyên bố chấm dứt chiến tranh trước, tiếp đó là ký kết hiệp đình hòa bình rồi mới đến việc phi hạt nhân hóa.
Robert E. Kelly, nhà phân tích người Mỹ về các vấn đề Triều Tiên, cho biết phương pháp tiếp cận của Tổng thống Moon là không thực tế. Cả Triều Tiên và Mỹ đều nhìn nhận vấn đề dưới con mắt đầy hoài nghi, trừ khi hai bên cùng đưa ra được bằng chứng cụ thể cho tuyên bố của họ.
Cái giá cho hòa bình có thể quá đắt với Hàn Quốc
Kim Sung Han, cựu thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, nói rằng nếu Mỹ chỉ đơn thuần đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên để đổi lấy tuyên bố cuối cùng về chấm dứt chiến tranh, họ sẽ phải từ bỏ rất nhiều thứ.
“Điều đó sẽ dẫn đến việc Triều Tiên leo thang điều kiện yêu cầu giải tán Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn”, cựu thứ trưởng Kim nói. Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ tạo ra trong Chiến tranh Triều Tiên và đến nay vẫn tồn tại để giám sát hiệp định đình chiến. Nếu chiến tranh xảy ra một lần nữa, UNC sẽ dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại Triều Tiên.
Phái đoàn Hàn Quốc (trái) hội đàm với Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, UNC là một sự đảm bảo chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên không ngừng kêu gọi giải tán UNC, gọi đây là biểu tượng để khởi động lại chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Tướng Vincent K. Brooks, người đứng đầu UNC và lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc, nói rằng Mỹ và Hàn Quốc cần phân loại rõ với Triều Tiên những điều đề cập trong tuyên bố cuối cùng về việc chấm dứt chiến tranh.
“Nếu lãnh đạo Mỹ và hai miền bán đảo Triều Tiên tuyên bố chấm dứt chiến tranh, UNC sẽ mất lý do chính trị để tồn tại. Nhưng UNC vẫn có lý do hợp pháp để hoạt động cho đến khi hiệp định hòa bình chính thức được ký kết”, Suh Jae Jung, chuyên gia Hàn Quốc tại Đại học Kito giáo Quốc tế ở Nhật Bản, nói trong một diễn đàn tại Seoul vào tuần trước.
Các quan chức Hàn Quốc nói rằng liên minh quân sự Mỹ - Hàn sẽ tồn tại nguyên vẹn bất chấp việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng từng nói không có ý định làm suy yếu liên minh Mỹ - Hàn, nhưng giới phân tích cho rằng đó chỉ là “một trò lừa ngoại giao”.
Cheon Seong Whun, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, cho biết tuyên bố cuối cùng về việc chấm dứt chiến tranh sẽ chỉ giúp ông Kim Jong Un củng cố quyền lực trong nước và quảng bá nó như một chiến thắng lớn trong cuộc đối đầu với Mỹ.
Triều Tiên sẽ sử dụng tuyên bố để yêu cầu Mỹ cắt giảm quân đội và quy mô các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, biến liên minh Mỹ - Hàn thành “con hổ giấy” trước khi Bình Nhưỡng hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa.
Ngày 19/9, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận trước khi hội đàm kết thúc. Việc ra tuyên bố chung về kết quả hội nghị là dấu hiệu cho thấy đột phá trong nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, điều này sẽ chẳng có mấy ý nghĩa nếu đàm phán Mỹ - Triều không thể nối lại.