Phó chủ tịch, người được coi là "thái tử" Samsung Lee Jae Yong, Chủ tịch SK Chey Tae Won, Chủ tịch LG Koo Kwang Mo và 15 lãnh đạo doanh nghiệp khác tham dự phái đoàn có nhiệm vụ thảo luận về kế hoạch kinh doanh với Triều Tiên. Họ là một phần trong sáng kiến "kinh tế mới" trên bán đảo Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Moon.
Chủ tịch Koo của tập đoàn LG là một trong những lãnh đạo chaebol, tức các tập đoàn gia đình lớn tại Hàn Quốc, có mặt đầu tiên tại khu đỗ xe phía nam bên ngoài Cung điện Hoàng gia Gyeongbok, nơi phái đoàn Hàn Quốc tập hợp trước khi di chuyển đến căn cứ không quân Seoul để đến Bình Nhưỡng.
Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong (hàng trên, bên trái), Chủ tịch SK Chey Tae Won (hàng trên, bên phải) và Chủ tịch LG Koo Kwang Mo (hàng dưới, bên phải) trên chuyến bay đến Bình Nhưỡng sáng 18/9. Ảnh: AFP. |
Phóng viên tờ Korea Herald hỏi Chủ tịch Koo liệu ông đã chuẩn bị kỹ càng cho chuyến thăm Bình Nhưỡng hay chưa, ông chỉ gật đầu, ngầm trả lời "rồi".
Đây là lần đầu tiên ông Koo chính thức xuất hiện trước báo chí và công chúng kể từ khi lên nắm quyền điều hành LG hồi tháng 6. Ông là lãnh đạo đời thứ 4 của tập đoàn lớn thứ 4 Hàn Quốc hiện nay.
Phó chủ tịch Lee của tập đoàn Samsung cũng không phát biểu gì trước câu hỏi của các phóng viên. Tuy nhiên, trước khi xuất phát, ông Lee đã tham dự cuộc họp vào phút chót với các giám đốc điều hành của Samsung là Rhee In Yong và Chung Hyun Ho.
Theo Korea Herald, 3 lãnh đạo đã thảo luận về các kế hoạch kinh doanh của Samsung trong chuyến đi đến Triều Tiên và thông điệp của tập đoàn về chuyến thăm này.
Ông Lee Jae Yong, ông Chey Tae Won và ông Koo Kwang Mo có mặt bên ngoài Cung điện Hoàng gia Gyeongbok trước khi lên máy bay đến Triều Tiên. Ảnh: Korea Herald. |
Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae Won đến khá muộn. Trước câu hỏi của các phóng viên, ông nói: "Tôi sẽ nói về việc này (kế hoạch kinh doanh ở Triều Tiên) sau". SK hiện là chaebol lớn thứ 3 và là nhà mạng di động hàng đầu tại Hàn Quốc. Tập đoàn này đồng thời là nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 trên thế giới.
Chủ tịch tập đoàn Hyundai Hyun Jeong Eun, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc Park Yong Maan và Chủ tịch tập đoàn CJ Sohn Kyung Shik cũng có mặt trong phái đoàn đến Triều Tiên nhân hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3.
Trả lời báo chí, ông Sohn nhắc đến đến khả năng tập đoàn CJ sẽ xem xét các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến "ẩm thực và văn hóa" ở Miền Bắc.
Hầu hết thành viên trong phái đoàn doanh nghiệp đến Bình Nhưỡng đều tránh nhắc đến cơ hội kinh doanh tại Triều Tiên, quốc gia vẫn chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tiết lộ mục đích các lãnh đạo doanh nghiệp đến Bình Nhưỡng là để chuẩn bị cho tương lai, hơn là thiết lập quan hệ kinh doanh với Triều Tiên ngay lập tức.
"Trong tình hình hiện nay, một số lĩnh vực có thể thảo luận và một số lĩnh vực khác thì không", ông Yoon Young Chan, thư ký cấp cao của tổng thống trong công tác truyền thông, phát biểu trong một cuộc họp báo.
"Cũng còn quá sớm để bàn về việc đây có phải là thời điểm dỡ bỏ cấm vận với Triều Tiên hay không", ông Yoon nói. "Chúng tôi đang hợp tác với cộng đồng quốc tế (về vấn đề) trừng phạt Triều Tiên, và một số sự thay đổi có thể được thực hiện nếu điều kiện mới được đưa ra, gồm thúc đẩy đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ".
Người phát ngôn văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ gặp gỡ Phó thủ tướng Triều Tiên phụ trách các vấn đề kinh tế Ri Ryong Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Bình Nhưỡng.